Marathon – tựa game mới thuộc thể loại extraction shooter của Bungie – hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm công khai. Tuy nhiên, chưa kịp tạo tiếng vang tích cực, trò chơi đã vướng vào một lùm xùm liên quan đến bản quyền khi một nghệ sĩ độc lập phát hiện các thiết kế của mình bị sử dụng trái phép trong game.
Nghệ sĩ có biệt danh Antireal đã đăng tải nhiều hình ảnh so sánh, cho thấy rõ ràng một số cảnh vật trong Marathon giống hệt tác phẩm của cô từ năm 2017, thậm chí có cả phần chữ bị làm mờ và thêm hiệu ứng để tránh bị phát hiện. Cô khẳng định chưa từng làm việc hay nhận được bất kỳ liên hệ nào từ phía Bungie, dù giám đốc mỹ thuật của Marathon – Joseph Cross – là người đã theo dõi cô trên mạng xã hội trong nhiều năm.
"Bungie không có nghĩa vụ phải thuê tôi, nhưng rõ ràng thiết kế của tôi đủ tốt để bị sao chép và đưa vào game mà không một lời xin phép hay trả công", Antireal bức xúc chia sẻ. "Tôi không đủ nguồn lực hay tinh thần để theo đuổi vụ việc này về mặt pháp lý, nhưng tôi đã mất đếm số lần các công ty lớn chọn cách đạo nhái thay vì gửi tôi một email."
Chỉ vài giờ sau khi vụ việc lan truyền trên mạng xã hội, Bungie đã chính thức đưa ra phản hồi thông qua tài khoản phát triển Marathon trên nền tảng X. Họ xác nhận một cựu nhân viên đã đưa tác phẩm của Antireal vào một bộ kết cấu hình ảnh (texture sheet) được sử dụng trong game mà không có sự đồng thuận.
"Vấn đề này không được đội ngũ mỹ thuật hiện tại biết đến trước đó, và chúng tôi đang điều tra cách thức sai sót này xảy ra. Chúng tôi coi đây là một sự việc nghiêm trọng và đã liên hệ với @4nt1r34l để giải quyết trực tiếp."
Bungie cũng khẳng định sẽ tiến hành rà soát toàn bộ tài sản hình ảnh trong game, đồng thời siết chặt quy trình kiểm tra để tránh lặp lại sai phạm tương tự. Là công ty thuộc sở hữu của Sony, Bungie nhấn mạnh họ luôn "tôn trọng sự sáng tạo và đóng góp của nghệ sĩ", và cam kết sẽ hành xử công bằng với những người bị ảnh hưởng.
Sự việc lần này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phát triển game. Trong thời đại mà các nghệ sĩ độc lập thường chia sẻ tác phẩm trên mạng xã hội, ranh giới giữa “truyền cảm hứng” và “sao chép trái phép” đang ngày càng bị xóa nhòa.
Vụ việc giữa Bungie và Antireal không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà còn là bài học đắt giá về sự tôn trọng đối với công sức sáng tạo – điều đáng ra phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào.