Bão Wipha hiện đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh cấp 8 (62-74 km/h), giật cấp 10. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20-25 km/h và dự kiến sẽ tiến vào Biển Đông vào tối ngày 19/7, trở thành cơn bão số 3 năm nay.
Sau khi vào Biển Đông, bão Wipha được dự báo tiếp tục tăng cấp, có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15. Dự báo thời tiết cho thấy bão có khả năng cao đổ bộ vào đất liền Việt Nam trong khoảng ngày 22/7, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện mưa lớn kéo dài, cảnh báo nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Bắc Bộ đã trải qua gần 40 ngày mưa diện rộng, chia thành 9 đợt khác nhau. Trong khi đó, từ Thanh Hóa đến Huế và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ cũng ghi nhận 9 đợt mưa rào, dông diện rộng. Đặc biệt, trong các ngày 10-13/6, hoàn lưu bão số 1 từng gây mưa cực lớn tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, lượng mưa phổ biến từ 250-500 mm, có nơi vượt 600 mm.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng thường xuyên xuất hiện mưa rào và dông. Một số ngày trong tháng 6 và 7 đã ghi nhận mưa vừa đến mưa to trên diện rộng.
Theo cơ quan khí tượng, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính và có khả năng duy trì đến tháng 10 với xác suất 70-90%. Trong thời gian này, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có thể tương đương trung bình nhiều năm, khoảng 6-7 cơn, trong đó 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Dự báo khí hậu cho thấy trong các tháng tới, mưa lớn có xu hướng tập trung ở Bắc Bộ trong tháng 8-9 và Trung Bộ trong tháng 9-10. Người dân cần theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết, chủ động phòng tránh rủi ro do mưa bão gây ra.