Chiều 18/7, tại cuộc họp ứng phó với cơn bão Wipha, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, bão Wipha khi vào Biển Đông sẽ trở thành bão số 3, có khả năng gây mưa lớn tại 18 tỉnh thành và 1.713 xã phường từ bắc Hà Tĩnh đến toàn miền Bắc. Theo ông, mặc dù gió bão không quá mạnh, song lượng mưa có thể rất lớn, kéo dài trong hai đợt từ 21–23/7 và 24–26/7.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất lo quy luật 2 năm – tức thiên tai lớn lặp lại sau một năm. Năm ngoái là bão số 3 Yagi, năm nay lại có khả năng lặp lại kịch bản tương tự, trong khi hiện là năm ENSO trung tính nhưng mưa cục bộ hoàn toàn có thể vượt mức trung bình nhiều năm”.
Thời điểm bão Wipha đổ bộ trùng với kỳ nghỉ hè, mùa du lịch cao điểm và cũng là giai đoạn khởi động vụ nuôi trồng thủy sản, canh tác nông nghiệp quan trọng, đặc biệt là với tôm, cá, lúa và cây ăn quả vụ Tết. Vì vậy, nếu không có phương án ứng phó tốt, thiệt hại kinh tế và an toàn con người có thể rất nghiêm trọng.
Một yếu tố khiến nhiều chuyên gia lo lắng là mực nước tại các hồ chứa từ Hà Tĩnh trở ra Bắc đang ở mức cao, từ 55–85%, có nơi tới 90%. Nếu mưa lớn xảy ra liên tục, nguy cơ xả lũ như vụ thủy điện Thác Bà năm ngoái hoàn toàn có thể lặp lại.
Trước các nguy cơ nói trên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị nhiều biện pháp cấp bách:
Ngoài ra, Thứ trưởng lưu ý cần có phương án bảo vệ công trình trọng điểm, trụ sở thiết yếu và công trình đang thi công, nhất là tại các khu vực dễ xảy ra sạt lở, mưa lũ. Tất cả lực lượng phải sẵn sàng ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra.
Bão Wipha dù không phải là cơn bão có sức gió mạnh nhất, nhưng mức độ nguy hiểm đến từ mưa lớn kéo dài và mực nước hồ chứa cao. Với cảnh báo ảnh hưởng đến 18 tỉnh và hơn 1.700 xã phường, đây là thời điểm cả hệ thống chính quyền, người dân và các lực lượng ứng phó thiên tai cần sẵn sàng phương án cao nhất để giảm thiểu thiệt hại.