Axolotl, tên khoa học Ambystoma mexicanum, là loài kỳ nhông được mệnh danh là “siêu sao” của thế giới động vật nhờ khả năng tái sinh các bộ phận cơ thể như chân, đuôi, và thậm chí một phần não. Trong tự nhiên, chúng chỉ sống khoảng 5 năm, trong khi nếu được nuôi trong điều kiện tốt, tuổi thọ có thể kéo dài tới 10-15 năm.
Điều khiến Axolotl khác biệt là chúng không bao giờ trưởng thành hoàn toàn như các loài lưỡng cư khác. Thay vì rời nước để sống trên cạn, chúng giữ nguyên các đặc điểm ấu trùng suốt đời như mang ngoài xòe to và lối sống hoàn toàn dưới nước. Nhờ đó, Axolotl thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực y học tái tạo.
Môi trường sống tự nhiên của Axolotl từng trải dài ở hồ Xochimilco và Chalco gần Mexico City. Nhưng hiện nay, chúng chỉ còn tồn tại ở Xochimilco do hồ Chalco đã bị tiêu thoát từ thế kỷ 20. Ô nhiễm, loài ngoại lai và đô thị hóa khiến Axolotl trở thành loài cực kỳ nguy cấp. Nguồn thức ăn trong tự nhiên cũng ít dần vì môi trường suy thoái và sự cạnh tranh của cá rô phi, cá chép – những loài vừa tranh giành thức ăn vừa ăn trứng Axolotl.
Trong khi đó, Axolotl nuôi nhốt có điều kiện sống an toàn hơn. Chúng được cho ăn đều đặn bằng thức ăn giàu đạm như trùn chỉ đông lạnh, tôm muối, viên thức ăn chuyên dụng. Tuy nhiên, bể nuôi phải đảm bảo nước mát, sạch, giàu oxy, có không gian rộng để bơi lội, tránh lót sỏi nhỏ vì Axolotl có thể nuốt phải, gây tắc ruột.
Khả năng tái sinh của Axolotl giúp chúng hồi phục sau chấn thương, tạo ra hy vọng nghiên cứu y học cho con người. Song, quần thể hoang dã của chúng vẫn đang suy giảm nghiêm trọng. Nhiều chương trình bảo tồn đã được thực hiện như trồng thực vật thủy sinh, kiểm soát loài xâm lấn và thả Axolotl nuôi trở lại tự nhiên. Dù vậy, việc Axolotl được bán phổ biến trong các cửa hàng thú cảnh đôi khi tạo rủi ro, khi có người nuôi không đúng cách hoặc thả chúng ra môi trường không phù hợp.
Dù Axolotl không cần sự chăm sóc của bố mẹ sau khi nở, các nhà bảo tồn giờ đây chính là những người “bảo mẫu” của loài kỳ nhông độc đáo này. Mục tiêu không chỉ là kéo dài tuổi thọ trong nuôi nhốt, mà còn giữ được Axolotl ngoài tự nhiên – để thế giới không mất đi một trong những sinh vật kỳ lạ và quý hiếm nhất hành tinh.