Axolotl có tên khoa học Ambystoma mexicanum, từng đi vào thần thoại của người Aztec khi tương truyền thần Xolotl biến thành sinh vật nhỏ bé này để trốn tránh bị bắt. Từ thế kỷ 19, chúng đã được đưa tới châu Âu và trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học vì khả năng tái sinh cơ thể gần như hoàn hảo.
Hiện nay, Axolotl chỉ còn tồn tại trong tự nhiên tại hồ Xochimilco, ở phía nam thành phố Mexico City. Dù thường được gọi là “cá đi bộ Mexico”, Axolotl không phải cá mà là một loài lưỡng cư. Chúng sống hoàn toàn dưới nước, khác hẳn nhiều loài kỳ nhông khác vốn trưởng thành sẽ rời nước lên cạn.
Điểm khiến Axolotl trở nên độc đáo chính là tính neotenic – tức giữ nguyên những đặc điểm ấu trùng suốt đời. Ngay cả khi đã trưởng thành, chúng vẫn có mang ngoài xòe to, chân màng mỏng, đuôi dài giống nòng nọc. Trong tự nhiên, Axolotl thường có màu đen sẫm hoặc nâu, nhưng những cá thể nuôi làm cảnh có thể mang màu trắng, hồng hoặc vàng, tạo vẻ ngoài cực kỳ “đáng yêu”.
Về vòng đời, Axolotl ngoài tự nhiên chỉ sống khoảng 5-6 năm, trong khi nuôi nhốt có thể sống tới 15 năm. Chúng đạt độ tuổi sinh sản vào khoảng một năm tuổi. Mùa sinh sản thường bắt đầu vào tháng 2, khi con đực thực hiện “vũ điệu tán tỉnh” để thu hút con cái. Sau khi giao phối, con cái đẻ hàng trăm trứng trong rong hoặc kẽ đá, rồi bỏ mặc chúng tự sinh tồn. Đáng chú ý, ấu trùng Axolotl thậm chí có thể… gặm chân anh em mình để sống sót, bởi vì chúng có khả năng tái sinh các chi bị mất chỉ sau vài tuần.
Trong tự nhiên, Axolotl từng là loài săn mồi đứng đầu ở các hồ, đầm lầy Mexico, ăn giun, ốc, côn trùng và cá nhỏ. Tuy nhiên, giờ đây, chúng phải đối mặt với nhiều kẻ thù xâm lấn như cá rô phi, cá rô phi không chỉ cạnh tranh thức ăn mà còn ăn trứng Axolotl.
Axolotl còn hấp dẫn giới khoa học bởi khả năng tái tạo gần như bất cứ bộ phận nào: chi, mắt, tim, tủy sống, thậm chí một phần não. Các nhà khoa học hy vọng nghiên cứu Axolotl sẽ mở ra tiềm năng ứng dụng y học tái sinh ở người. Tuy nhiên, khả năng tái sinh này gần như biến mất nếu buộc Axolotl phải biến thái hoàn toàn thành kỳ nhông trên cạn bằng hormone thyroxine.
Dù vậy, mối đe dọa lớn nhất với Axolotl chính là mất môi trường sống. Hồ Xochimilco – nơi duy nhất còn Axolotl hoang dã – bị ô nhiễm nặng nề và xâm lấn bởi loài ngoại lai. Chính quyền Mexico cùng các tổ chức bảo tồn đang nỗ lực hồi sinh hệ sinh thái hồ Xochimilco, sử dụng mô hình “chinampas” – những bè trồng cây thủy sinh từng được người Aztec dùng làm vườn nổi, giúp lọc nước và tạo nơi trú ẩn cho Axolotl. Một phần kinh phí cho bảo tồn còn đến từ du lịch sinh thái trên những vườn nổi này.
Ngược lại, Axolotl nuôi nhốt đang phát triển mạnh, không chỉ trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới mà còn trong giới nuôi cảnh. Tuy nhiên, việc nuôi Axolotl không phải nơi nào cũng hợp pháp. Người nuôi cần đảm bảo hồ đủ rộng (khoảng 15-20 gallon nước), không nuôi chung với cá hoặc Axolotl khác vì dễ cắn nhau, và tuyệt đối không bế Axolotl lên khỏi nước.
Dù Axolotl nổi tiếng và “cute” đến mấy, việc nuôi chúng cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn. Chúng không chỉ là thú cưng dễ thương mà còn là loài đang bên bờ tuyệt chủng, rất cần được bảo tồn để không biến mất khỏi tự nhiên.