Cuộc chiến giữa Apple và Epic Games – từng là một trong những điểm nóng của ngành công nghệ suốt 5 năm qua – cuối cùng cũng đi đến hồi kết. Ngày 21/5, Apple chính thức chấp thuận để Fortnite trở lại trên App Store tại thị trường Mỹ, khép lại chuỗi ngày dài cấm vận, kiện tụng và tranh luận về độc quyền nền tảng.
Ra mắt năm 2017, Fortnite nhanh chóng tạo nên cơn sốt toàn cầu với lối chơi sinh tồn hấp dẫn. Trên riêng nền tảng iOS, tựa game này đã từng thu hút hơn 116 triệu người chơi trước khi bị Apple gỡ bỏ vào năm 2020. Nguyên nhân xuất phát từ việc Epic Games tự ý tích hợp hệ thống thanh toán riêng, nhằm né tránh khoản chiết khấu 30% mà Apple áp đặt cho mọi giao dịch qua App Store.
Việc Fortnite bị loại khỏi hệ sinh thái iOS khi đó không chỉ gây sốc với cộng đồng game thủ, mà còn làm bùng nổ cuộc tranh luận rộng khắp về quyền lực độc quyền của các ông lớn công nghệ trong hệ sinh thái số.
Theo báo cáo của Reuters, quyết định đưa Fortnite trở lại App Store không xuất phát từ thiện chí của Apple, mà là hệ quả từ áp lực pháp lý ngày càng gia tăng. Cụ thể, thẩm phán liên bang Yvonne Gonzalez Rogers – người từng đứng giữa cuộc chiến pháp lý hồi năm 2021 – đã công khai cáo buộc Apple không tuân thủ các yêu cầu trong phán quyết trước đó.
“Apple cố ý không tuân thủ lệnh cấm của tòa án này”, bà Rogers khẳng định. Thậm chí, bà còn chỉ trích hãng công nghệ Mỹ đã dựng lên những rào cản mới để tiếp tục duy trì lợi thế độc quyền, trái ngược hoàn toàn với tinh thần của lệnh cấm chống độc quyền được đưa ra.
Ban đầu, mặc dù tòa án yêu cầu Apple phải cho phép các nhà phát triển cung cấp phương thức thanh toán bên ngoài App Store, hãng này lại đưa ra quy định khắt khe buộc nhà phát triển vẫn phải trả khoản phí 27% cho các giao dịch như vậy. Điều này bị cho là đi ngược lại tinh thần tự do cạnh tranh và bị xem như một hình thức né tránh lệnh cấm.
Ngay khi Fortnite được tái xuất trên App Store, CEO Epic Games – ông Tim Sweeney – đã không giấu nổi sự phấn khích, đăng dòng trạng thái ngắn gọn trên X (Twitter cũ): “Chúng ta đã trở lại”.
Trong khi đó, Apple vẫn giữ im lặng trước truyền thông và chưa đưa ra bình luận chính thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích được Wall Street Journal trích dẫn, cú “quay xe” này của Apple có thể mở đầu cho làn sóng giám sát và áp lực pháp lý trên quy mô toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu – nơi luật cạnh tranh số đang được siết chặt hơn bao giờ hết.