Bill Bill
18/03/2023 08:11

AI gài bẫy người tải phần mềm lậu

Hacker đã tận dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và kỹ thuật deepfake để mạo danh người nổi tiếng và dụ dỗ người dùng tải phần mềm lậu.

Hiện tại, AI (trí tuệ nhân tạo) đang được sử dụng để tạo ra các video giả mạo (phần lớn xuất hiện trên nền tảng YouTube). Những video này hướng dẫn tải một số phần mềm crack như Photoshop, Premiere Pro, Autodesk 3ds Max, AutoCAD… miễn phí. Nhiều trường hợp, người dùng không biết rằng hacker đã cài link độc hại dưới dạng tên file chính thống để lừa đảo, đánh cắp dữ liệu cá nhân.

Theo thống kê của Cloudsek thì từ tháng 11/2022, số lượng video YouTube chứa liên kết đến phần mềm độc hại tăng mạnh, trung bình tháng sau cao hơn 200-300% so với tháng trước đó.

AI, trí tuệ nhân tạo, video giả mạo

Trước đây, các video sử dụng âm thanh hoặc bản ghi hoạt động trên màn hình để hướng dẫn tải và crack phần mềm. Tuy nhiên, gần đây hacker còn sử dụng một số nền tảng tạo video bằng AI như Synthesia và D-ID để tăng mức độ tin cậy trong video giả mạo.

Việc xuất hiện của con người (đặc biệt là người nổi tiếng) do AI tạo ra có thể tăng độ tin cậy và đánh lừa người dùng. Nhóm bảo mật Cloudsek cho biết: “Video xuất hiện con người tạo cảm giác quen thuộc và đáng tin cậy hơn. Do đó, gần đây có xu hướng video được dựng với nhân vật AI và lan truyền trên nhiều ngôn ngữ, nền tảng”.

Những cái tên nổi tiếng như Elon Musk, Tom Cruise, Leo DiCaprio cũng từng xuất hiện trong các video giả mạo này. Trước tình trạng này, các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách không tải các phần mềm không có bản quyền. Khi tải ứng dụng, nên vào chính website của nhà phát hành thay vì thông qua một bên trung gian.

   
0 bình luận     0 lượt thích