Báo cáo này, vốn tập trung vào thói quen trực tuyến và xu hướng mới của người tiêu dùng Việt, cho thấy Zalo có tỷ lệ sử dụng đạt 85%, tăng nhẹ 3% so với quý trước. Đứng sau Zalo là các nền tảng phổ biến như Facebook (59%) và Messenger (52%), đều giảm nhẹ so với quý II. Kết quả này không chỉ duy trì mà còn gia tăng khoảng cách giữa Zalo và các đối thủ, minh chứng cho sự phổ biến của nền tảng trong đời sống người Việt.
Từ đầu năm 2024, tỷ lệ yêu thích dành cho Zalo cũng liên tục tăng, đạt 57% trong quý III, bỏ xa Messenger và Facebook với mức yêu thích chỉ 17%. Đây là quý thứ 16 liên tiếp kể từ năm 2020 mà Zalo duy trì vị trí dẫn đầu – một cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn của nền tảng khi chính thức vượt qua Facebook Messenger.
Điểm đặc biệt là Zalo đã chinh phục cả 3 nhóm thế hệ người dùng Gen X, Gen Y và Gen Z. Trong đó, 75% người thuộc Gen X ưa chuộng Zalo cho việc nhắn tin hàng ngày, trong khi Messenger và Facebook chỉ lần lượt chiếm 10% và 7%. Tương tự, 56% người thuộc Gen Y và 40% thuộc Gen Z cũng ưu tiên sử dụng Zalo, bỏ xa các nền tảng khác.
Với tầm nhìn phát triển bền vững, Zalo không ngừng cập nhật và bổ sung các tính năng mới. Trước làn sóng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), Zalo đã tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ giải trí, công việc và kinh doanh cho người dùng. Trong năm 2024, Zalo AI đã ghi dấu với các sản phẩm AI thương mại hóa cao, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) hợp tác cùng Fiza x Zalo AI, hỗ trợ Ngân hàng Quốc tế VIB phát hành thẻ tín dụng cá nhân hóa và đạt hơn 4.000 thẻ chỉ sau 2 ngày ra mắt.
Ngoài ra, tại giải MMA Smarties 2024, Zalo AI còn được vinh danh là “Enabling Technology Company of the Year” nhờ vào công nghệ GenAI đã giúp Pepsi triển khai thành công chiến dịch Tết với hơn 100 triệu AI Avatar cá nhân hóa cho người dùng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 từ VNG, Zalo hiện có 77,6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và gần 1,97 tỷ tin nhắn được gửi mỗi ngày – một con số ấn tượng khẳng định vị thế số một của Zalo tại Việt Nam.