6 giờ 30 sáng, khi thành phố Đà Nẵng vẫn còn ngái ngủ, một người đàn ông nước ngoài đã cẩn thận xếp găng tay, gắp rác và vài chiếc túi nylon vào cốp xe máy. Sasha Shakhov, 35 tuổi, người Nga, lại bắt đầu một buổi sáng cuối tuần theo cách không nhiều người lựa chọn – đến bãi biển Mân Thái để nhặt rác.
Chờ anh ở đó là hơn 20 tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau – Việt Nam, Australia, Mỹ, Ukraine… Họ lặng lẽ bước qua bờ cát, chân cầu, công viên ven biển, khu dân cư, và nhặt từng mảnh rác nhựa, đầu lọc thuốc lá, cốc giấy bỏ lại sau những buổi vui chơi, ăn uống. Chỉ sau khoảng 30 phút, hàng chục túi rác được gom lại gọn gàng, sẵn sàng chuyển về điểm tập kết phân loại.
“Chúng tôi không làm điều gì to tát, chỉ là một hành động nhỏ dành cho thành phố tuyệt vời này”, Sasha nói với nụ cười hiền hậu.
Sasha từng sống một cuộc đời rất khác ở Nga – làm việc trong văn phòng, sống ở thành thị. Năm 2022, anh quyết định rời bỏ mọi thứ để trở thành một digital nomad – người du mục kỹ thuật số, chuyên thiết kế âm thanh cho các trò chơi điện tử. Anh sống ở Armenia một thời gian trước khi nhận được lời khuyên từ bạn bè: "Hãy thử đến Việt Nam đi, biết đâu lại hợp".
Và đúng là anh đã "hợp" một cách không ngờ. Từ tháng 9/2023, Sasha đặt chân đến Đà Nẵng – nơi anh nhanh chóng yêu từ bãi biển, dãy núi, nhịp sống yên bình đến cộng đồng người nước ngoài năng động. “Thành phố này không quá lớn, nhưng có mọi thứ tôi cần – và cả những người nói tiếng Nga nữa”, anh chia sẻ.
Những buổi chiều chạy xe máy quanh thành phố giúp Sasha kết nối với người bản địa. Một buổi sáng sớm, anh tình cờ thấy một cặp vợ chồng Việt Nam đang đi dạo và kiên nhẫn nhặt từng mảnh rác nhỏ ven biển. Hành động bình dị ấy chạm đến một phần ký ức cũ trong anh – khi còn ở Armenia, anh từng tình nguyện phát quần áo và thực phẩm cho người khó khăn. “Lần đó là lần đầu tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì mình làm được điều gì đó có ý nghĩa cho người khác”, Sasha nhớ lại.
Từ những bước chân lặng lẽ dọc bãi biển, Sasha dần biến hành động đơn độc thành một phong trào nhỏ. Ban đầu, anh chỉ rủ vài người bạn Nga đi cùng. Họ chơi board game, xem nhạc sống, trò chuyện, và khi Sasha gợi ý: “Hay cuối tuần mình đi nhặt rác nhé?”, không ai từ chối. Nhóm dần hình thành, từ vài người đến chục người, gặp nhau mỗi hai tuần. Họ làm sạch các bãi biển, chân cầu Thuận Phước, ven sông Hàn.
Đến tháng 3/2024, tần suất tăng lên mỗi tuần. Nhưng cũng có khi Sasha phải đi một mình vì mọi người bận. Anh nghĩ đến việc mời thêm người Việt tham gia để gắn kết hơn. Một bài đăng trên Facebook giữa năm 2023 bất ngờ được lan truyền rộng rãi, chỉ sau một giờ, nhóm chat của anh đã có 100 người. Từ đó, nhóm “No Trash in Da Nang anymore” ra đời.
Hiện nay, nhóm đã có gần 2.000 thành viên. Mỗi sáng Chủ nhật, đúng 6h30, họ lại gặp nhau. Bãi biển Đà Nẵng vốn sạch, nên nhóm chỉ mất chừng 15 phút gom rác. Họ thường tập trung ở khu dân cư – nơi nhựa, ly, hộp bỏ đi chất đống. Vào mùa hè, có tuần nhóm đón tới 50 người tham gia, gom được cả trăm túi rác.
Số lượng tăng kéo theo khó khăn mới: rác không thể cứ mang đến thùng công cộng như lúc còn ít người. Sasha đã chủ động liên hệ với công ty môi trường đô thị, gửi vị trí và ảnh để họ hỗ trợ thu gom đúng quy trình.
Sau gần hai năm, những buổi sáng nhặt rác không còn là hành động đơn lẻ. Chúng trở thành thói quen, là dịp kết nối, là nơi người trẻ – đặc biệt là sinh viên, học sinh Việt – đóng góp bằng hành động thiết thực. Họ còn gây quỹ mua dụng cụ thu gom, túi thân thiện môi trường. Hè năm ngoái, nhóm đã phối hợp cùng một trường đại học tại Đà Nẵng để mở rộng quy mô.
“Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”, Sasha nói. “Tôi yêu biển, núi, sự thân thiện và cả những buổi sáng lặng lẽ bên bờ cát, nơi mọi người cùng nhau làm điều gì đó tử tế cho môi trường”.