Ông Toyoda không phản đối xe điện. Thay vào đó, ông muốn làm rõ một thực tế: xe điện không hoàn toàn “sạch” như nhiều người lầm tưởng. Trong một cuộc phỏng vấn với Automotive News, vị lãnh đạo kỳ cựu này đặt ra câu hỏi đầy tính thời sự: “Liệu việc thay thế toàn bộ xe xăng bằng xe điện có thực sự giúp giảm phát thải CO₂, hay chỉ đơn giản là chuyển vấn đề từ chỗ này sang chỗ khác?”
Toyota đã bán ra thị trường hơn 27 triệu xe hybrid – theo ông Toyoda, con số này tương đương hiệu quả môi trường của 9 triệu xe thuần điện. Nhưng ông lập luận, nếu những chiếc xe điện ấy được sản xuất và sử dụng tại những quốc gia mà điện năng chủ yếu đến từ nhiệt điện – như Nhật Bản – thì tổng lượng phát thải có thể không giảm mà còn tăng lên. Việc sản xuất pin, xây dựng trạm sạc và tạo ra điện không miễn nhiễm với khí thải.
Điều ông muốn nhấn mạnh không chỉ là tính toán về CO₂, mà còn là một triết lý phát triển mang tính dài hạn. Toyota, thay vì chạy đua điện hóa ồ ạt như nhiều đối thủ, đang lựa chọn một con đường “chậm mà chắc”: mở rộng từ từ xe thuần điện, đồng thời tiếp tục đầu tư vào hybrid, hybrid cắm sạc (PHEV), pin nhiên liệu hydro (FCEV) và cả động cơ sử dụng nhiên liệu tổng hợp.
Kể từ khi giới thiệu chiếc Prius vào năm 1997, Toyota đã định hình tương lai cho phân khúc hybrid. Ngày nay, tại những thị trường lớn như Bắc Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng dòng xe này như một bước đệm hợp lý trước khi tiến đến xe điện hoàn toàn. Các mẫu hybrid tự sạc không yêu cầu hạ tầng trạm sạc phức tạp, nhưng vẫn giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải CO₂.
Chủ tịch Toyota cũng từng gây tranh cãi khi cho rằng trong dài hạn, xe điện sẽ chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh số ôtô toàn cầu – một con số khiêm tốn so với kỳ vọng của nhiều chính phủ và doanh nghiệp. Ông thậm chí cảnh báo rằng quá trình điện hóa quá nhanh có thể đe dọa hơn 5 triệu việc làm tại Nhật Bản – nơi công nghiệp sản xuất động cơ truyền thống vẫn là trụ cột.
Trong thời đại mà “điện hóa” gần như trở thành một tín điều, quan điểm của Akio Toyoda có thể gây tranh cãi, nhưng lại đặt ra một câu hỏi căn bản: liệu chúng ta đang hành động vì môi trường hay chạy theo một xu hướng? Với Toyota, sự cẩn trọng không đồng nghĩa với tụt hậu, mà là bước đi khôn ngoan để xây dựng một nền tảng chuyển đổi thực chất, chứ không chỉ là vỏ bọc xanh.