Những người tham gia khai thác và ủng hộ Pi Network tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn đầy sóng gió khi đồng tiền số này chính thức lên sàn, kéo theo những mâu thuẫn nội bộ và chỉ trích gay gắt nhắm vào các sàn giao dịch.
Khi Pi Network chính thức vận hành mạng lưới blockchain và cho phép giao dịch, không khí trong cộng đồng người dùng Việt Nam ban đầu tràn đầy phấn khởi. Là một trong những thị trường sôi động nhất của dự án “đào coin trên điện thoại” này, Việt Nam từng chứng kiến sự đồng lòng mạnh mẽ từ người tham gia. Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài bao lâu.
Đến ngày 20/2, khi Pi chính thức xuất hiện trên sàn giao dịch và có thể mua bán công khai, cộng đồng bắt đầu chia rẽ. Giá đồng tiền số tụt dốc do áp lực bán ra lớn, khiến nhiều người quay sang đổ lỗi cho các sàn giao dịch. Thậm chí, những ai bán Pi để chốt lời cũng bị gán cho cái mác “kẻ phản bội” trong mắt một bộ phận người dùng.
Trước khi mạng chính thức mở, sàn OKX từng là cái tên được cộng đồng “Pi thủ” – hay còn gọi là Pioneer – ca ngợi hết lời. Là sàn lớn đầu tiên công khai ủng hộ và niêm yết Pi, OKX được xem như “người hùng” trong bối cảnh giới tiền số vẫn còn hoài nghi về tính minh bạch của dự án. Trong khi đó, CEO Bybit và nhiều nhân vật có ảnh hưởng lại thẳng thừng chê bai, gọi Pi Network là “trò đa cấp” lôi kéo những người thiếu hiểu biết.
Thế nhưng, gió đổi chiều khi giá Pi lao dốc sau ngày lên sàn. Từ mức đỉnh 2,1 USD, giá tụt xuống còn khoảng 1/3, thấp hơn nhiều so với mức 40.000-70.000 đồng từng được giao dịch trao tay trên các chợ OTC trước đó. Bất mãn với tình hình, nhiều người đào Pi tại Việt Nam quay sang cáo buộc OKX thao túng giá và kêu gọi rút tiền khỏi sàn để phản đối – một động thái trái ngược hoàn toàn với sự tung hô chỉ vài ngày trước đó.
Không chỉ dừng lại ở việc chỉ trích sàn giao dịch, nội bộ cộng đồng Pi tại Việt Nam cũng quay sang đấu đá lẫn nhau. Một nhóm cho rằng việc mang Pi lên sàn giao dịch để mua bán là sai lệch với mục tiêu ban đầu – xây dựng một công cụ trao đổi trong hệ sinh thái riêng. Họ lên án những người bán Pi kiếm lời, gọi đó là hành vi “phản bội”. “Pi lên sàn giờ thành thứ vi phạm,” một người dùng tên N.P. bức xúc viết.
Thực tế, sự phản đối việc bán Pi bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong suốt thời gian dài khai thác, không ít người tại Việt Nam đã gom mua Pi với giá cao để đầu cơ. Khi giá công khai trên sàn chỉ còn dưới 1 USD, họ rơi vào cảnh thua lỗ và kêu gọi cộng đồng ngừng bán để giữ giá, tránh mất trắng.
Trong khi đó, anh M.H., một người tham gia Pi lâu năm, tiết lộ rằng dự án có cơ chế “khóa” tiền số để tăng tốc độ khai thác – tương tự staking trong các blockchain khác. Nhiều người đã khóa phần lớn Pi của mình từ 6 tháng đến 3 năm để tối ưu lợi ích. Nhưng khi mạng chính bất ngờ ra mắt, nhóm này rơi vào thế kẹt vì không thể bán tài sản bị khóa. Theo anh M.H., chính họ đang ra sức thuyết phục cộng đồng ngừng bán tháo, hy vọng giữ giá cho đến khi Pi của mình được “giải phóng”.
Không chỉ tại Việt Nam, mâu thuẫn tương tự cũng xuất hiện trong cộng đồng Pi toàn cầu. Một bài đăng từ tài khoản Pen_jonh kêu gọi: “Đã có 11,6 triệu Pi được gửi lên sàn OKX. Đừng gửi hay bán Pi của bạn, nếu không sẽ phải hối tiếc!” Dòng trạng thái này nhận được nhiều sự đồng tình, nhưng cũng không ít phản ứng trái chiều. “Pi của tôi bị khóa 6 tháng nữa. Làm gì thì làm, tôi chán mấy bài kêu gọi ‘đừng bán’ lắm rồi,” một người dùng tên Rasto68 thẳng thắn đáp trả.
Dù ủng hộ hay phản đối, rõ ràng Pi Network đang bước vào giai đoạn thử thách lòng tin của cộng đồng – cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới. Giá trị thực sự của đồng tiền số này, có lẽ, vẫn cần thời gian để trả lời.