Khi nhận được cuộc gọi mạo danh nhân viên Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), thay vì cúp máy, Ashton Bingham – một cư dân Los Angeles – lại quyết định ghi lại cuộc đối thoại và đăng tải lên Facebook. Không ngờ, video này nhanh chóng lan truyền rộng rãi.
Nhận thấy tiềm năng, Bingham hợp tác với Art Kulik, một cựu vận động viên Olympic, để biến việc "trêu đùa" kẻ lừa đảo thành công việc toàn thời gian. Kênh YouTube Trilogy Media của họ hiện có hơn 1,6 triệu lượt đăng ký, với hơn 600 video phơi bày các chiêu trò lừa đảo. Video được xem nhiều nhất của họ đạt 5,6 triệu lượt xem, ghi lại cảnh "săn" kẻ lừa đảo cùng cảnh sát. Theo SocialBlade, kênh có thể mang về từ 7.800 USD đến 125.000 USD mỗi năm.
Rosie Okumura, một nhạc sĩ kiêm diễn viên lồng tiếng, cũng tham gia cuộc chơi sau khi mẹ cô bị lừa 500 USD qua một phần mềm độc hại. Cô tiếp cận kẻ lừa đảo, giả làm Kim Kardashian và đăng tải video lên mạng. Phản ứng tích cực từ người xem đã giúp cô phát triển kênh IRLRosie, với 1,6 triệu người đăng ký trên YouTube và 1,2 triệu người theo dõi trên TikTok.
Cộng đồng "trừng trị" kẻ lừa đảo trên YouTube ngày càng lớn mạnh. Scammer Payback, kênh lớn nhất với hơn 8,12 triệu đăng ký, đã giúp ngăn chặn hàng nghìn tài khoản lừa đảo. Jim Browning, một kênh bí ẩn với 4,4 triệu đăng ký, chuyên lần ra các tổ chức lừa đảo đứng sau tin nhắn giả mạo. Trong khi đó, kênh Scambaiter từ Ấn Độ, với 2,7 triệu đăng ký, chuyên bóc trần các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao.
Theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), năm 2024, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến tại Mỹ lên đến 12,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2023. Nhờ sự phát triển của các kênh YouTube này, nhiều người đã được cảnh báo kịp thời và tránh trở thành nạn nhân.