Không chỉ là môn thể thao hấp dẫn, golf đang đặt môi trường trước một áp lực nặng nề mà ít ai để ý: hàng tỷ quả bóng thất lạc mỗi năm. Những quả bóng này, nhỏ bé nhưng lại gây nên những tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đặc biệt là các vùng ven biển và đại dương.
Trong giới golfer, việc mất bóng là điều thường xuyên xảy ra, đặc biệt với người chơi nghiệp dư. Theo quy định, bóng sẽ được coi là thất lạc nếu không tìm thấy sau ba phút. Trung bình, một golfer tầm trung có thể mất từ 1 đến 4 quả bóng trong mỗi vòng đấu. Shaun Shienfield, CEO một công ty chuyên thu hồi và bán lại bóng thất lạc, ước tính rằng con số này còn cao hơn, lên đến ít nhất 3 quả mỗi vòng.
Với 45 triệu golfer tại Mỹ và 531 triệu vòng golf diễn ra hàng năm, lượng bóng thất lạc ở Mỹ được Shienfield tính toán lên đến 1,5 tỷ quả mỗi năm. Nếu xếp tất cả chúng thành một hàng, chiều dài sẽ gấp 1,5 lần chu vi Trái Đất, trong khi khối lượng đạt tới 45.930 tấn – tương đương với 241 con cá voi xanh lớn nhất hành tinh.
Trên quy mô toàn cầu, con số này thậm chí vượt xa, với ước tính từ 3-5 tỷ quả bóng bị thất lạc mỗi năm, theo chuyên gia Torben Kastrup Petersen thuộc Liên minh Golf Đan Mạch.
Những quả bóng golf tưởng chừng vô hại lại là một nguồn rác nhựa đáng lo ngại. Chúng được cấu tạo từ lõi nhựa tổng hợp và hợp chất polymer, cùng nhiều hóa chất độc hại như kẽm và benzoyl peroxide. Khi chìm xuống đáy đại dương, các hóa chất này dần phân rã, giải phóng vi nhựa vào môi trường, thâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng là cơ thể con người.
Tại vịnh Monterey, California, Alex Weber – một học sinh trung học – và nhóm bạn đã thu nhặt hơn 50.000 quả bóng golf trong vòng 1,5 năm, tương đương 2,56 tấn rác nhựa. Theo ước tính của chuyên gia Matthew Savoca, khu vực quanh sân golf Pebble Beach mỗi năm có khoảng 186.000 quả bóng chìm dưới biển, tạo ra 9,42 tấn rác nhựa không thể thu hồi.
Ngoài tác động hóa học, những quả bóng "vô chủ" này còn là mối nguy cho sinh vật biển. Hải cẩu và rái cá tại Monterey thường xuyên bị bắt gặp chơi đùa cùng những quả bóng thất lạc, tiềm ẩn nguy cơ nuốt phải hoặc chịu tác động từ các chất độc hại.
Trong khi tình trạng ô nhiễm từ bóng golf đang ngày càng nghiêm trọng, một số sáng kiến bảo vệ môi trường đã bắt đầu xuất hiện. Các nhà sản xuất đang nghiên cứu bóng golf thân thiện hơn, như bóng tự hủy sinh học làm từ tinh bột bắp, có khả năng phân rã trong nước chỉ sau vài tuần. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn gặp hạn chế về chi phí và tính năng, khiến chúng chỉ phù hợp với các sự kiện hoặc sân golf ven biển.
Hãng Albus (Tây Ban Nha) thậm chí còn sản xuất loại bóng tan hoàn toàn trong nước sau 48 giờ, với phế phẩm có thể làm thức ăn cho cá hoặc san hô. Dù vậy, loại bóng này chưa thực sự được đón nhận rộng rãi do độ bền thấp và không phù hợp với các giải đấu chuyên nghiệp.
Trong lúc chờ đợi giải pháp bền vững từ các nhà sản xuất lớn, việc thu hồi bóng thất lạc đã được triển khai tại nhiều sân golf lớn. Hãng Titleist, thông qua đơn vị PG Golf, đã tái chế và bán lại hơn 39.000 tấn bóng kể từ năm 1992. Sân Pebble Beach cũng áp dụng các chương trình thu gom bóng từ năm 2017, thậm chí cấm người chơi cố ý đánh bóng ra biển.
Tại Mỹ và Canada, công ty Found Golf Balls đang thu hồi và bán lại khoảng 150 triệu quả bóng mỗi năm. Một số cá nhân cũng tham gia vào hoạt động này để kiếm thêm thu nhập. Chẳng hạn, một người đàn ông tại London đã kiếm được hơn 114.000 USD mỗi năm từ việc lặn tìm bóng trong hồ nước tại các sân golf.
Golf không chỉ là môn thể thao, mà còn là trách nhiệm với môi trường. Tình trạng thất lạc bóng không chỉ gây lãng phí mà còn để lại những hậu quả lâu dài cho hệ sinh thái. Việc nâng cao ý thức của người chơi, kết hợp với những cải tiến trong sản xuất và tái chế, sẽ là chìa khóa để giảm thiểu tác động tiêu cực từ những quả bóng nhỏ bé này.
Tương lai của golf không chỉ nằm ở những cú đánh đẹp mắt mà còn ở cách môn thể thao này hòa hợp với thiên nhiên.