Trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ ngày càng bất ổn, adidas – hãng thời trang thể thao danh tiếng của Đức – đang phải đối mặt với nguy cơ tăng chi phí sản xuất, dẫn đến việc buộc phải điều chỉnh giá bán của nhiều dòng sản phẩm, trong đó có những mẫu giày mang tính biểu tượng như Samba và Gazelle.
Tổng giám đốc điều hành adidas, ông Bjørn Gulden, cho biết phần lớn hoạt động sản xuất giày dép của hãng hiện đặt ngoài nước Mỹ, chủ yếu tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Việt Nam. Điều này khiến adidas đặc biệt nhạy cảm trước những chính sách thuế mới được đưa ra bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump.
“Chúng tôi gần như không sản xuất tại Mỹ. Vì vậy, các mức thuế cao sẽ trực tiếp khiến chi phí đội lên, và giá sản phẩm chắc chắn bị ảnh hưởng”, ông Gulden phát biểu ngày 23/4. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng nói rằng chưa thể đưa ra con số cụ thể về mức tăng giá hay dự đoán được phản ứng của người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, adidas đã nỗ lực dịch chuyển bớt sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro, nhưng theo ông Gulden, hãng vẫn chưa thể tránh khỏi ảnh hưởng từ mức thuế hiện hành. Nếu các chính sách thuế được mở rộng sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam – vốn là trung tâm sản xuất lớn – tác động sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Sự không chắc chắn trong môi trường thương mại khiến adidas quyết định chưa nâng mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cho năm 2025, dù quý đầu tiên ghi nhận kết quả hết sức khả quan. Lợi nhuận hoạt động trong ba tháng đầu năm đạt 610 triệu euro – gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái – và là mức cao nhất trong lịch sử quý I của công ty.
Ngoài Mỹ – nơi ảnh hưởng từ việc chấm dứt hợp tác với rapper Kanye West và thương hiệu Yeezy vẫn còn kéo dài – các thị trường khác của adidas đều ghi nhận tăng trưởng hai con số. Được biết, đôi giày cuối cùng mang nhãn hiệu Yeezy đã được bán hết vào cuối năm 2024, khép lại hoàn toàn chương hợp tác với nghệ sĩ tai tiếng này.
adidas đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của các dòng giày cổ điển như Samba, Gazelle hay những thiết kế đế mỏng như Tokyo và Taekwondo. Nhờ vậy, hãng đang dần lấy lại thị phần từ tay đối thủ lâu năm Nike – một biểu tượng của ngành công nghiệp thể thao trong nhiều thập kỷ qua.
Cổ phiếu adidas đã có sự phục hồi nhất định sau khi Mỹ hoãn một phần kế hoạch tăng thuế hồi đầu tháng. Tính trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu của hãng chỉ giảm nhẹ 6%, thấp hơn nhiều so với mức sụt giảm 47% của Puma và 39% của Nike. Đây được xem là tín hiệu tích cực với adidas trong bối cảnh thị trường tiêu dùng toàn cầu đang chững lại.