Trong khi các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, sách vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong đời sống của giới trẻ văn phòng. Không chỉ là phương tiện giải trí, đọc sách còn là cách để họ học hỏi, rèn luyện tư duy và tìm kiếm nguồn cảm hứng.
Nhiều người trẻ đặt mục tiêu đọc sách dựa trên những vấn đề họ quan tâm, từ công việc, sức khỏe đến những câu hỏi lớn về cuộc sống. Họ tìm đến sách không chỉ để thư giãn, mà còn để trang bị kiến thức cho hành trình phát triển bản thân.
Kim Thảo (25 tuổi, Bình Dương, làm trong lĩnh vực đồ họa) từng có tuổi thơ gắn liền với các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, khi lớn lên, cô dần xa rời sách và chuyển hướng sang manga, anime. Mãi đến khi đi làm, nhờ những gợi ý từ bạn bè, Thảo mới tìm lại niềm vui đọc sách.
Giờ đây, tủ sách của Thảo ngày càng đầy lên, với những cuốn mang lại sự cân bằng trong tâm hồn. Một trong số đó là Nẻo về của ý của thiền sư Thích Nhất Hạnh. "Trước đây mình đã đọc vài cuốn về Phật giáo, nhưng đến quyển này mới thật sự cảm nhận được sự gần gũi và dễ tiếp cận", cô chia sẻ.
Ngoài ra, Một đời như kẻ tìm đường của Phan Văn Trường cũng đến với cô đúng thời điểm, khi cô đang loay hoay giữa những áp lực công việc và cuộc sống. "Cuốn sách giống như lời khuyên từ một người ông giàu kinh nghiệm, giúp mình nhìn nhận mọi thứ một cách bình tĩnh hơn", Thảo tâm sự.
Không chỉ quan tâm đến tinh thần, Thảo còn chú trọng sức khỏe. Sau một đợt suy giảm thể chất vào năm 2024, cô bắt đầu tìm hiểu về dinh dưỡng và chọn đọc Phương pháp ăn uống cải thiện lưu thông máu của Akiyoshi Horie. Thảo nhận ra rằng sức khỏe là nền tảng cho mọi thứ khác trong cuộc sống, vì vậy cô dự định sẽ tiếp tục khám phá thêm nhiều đầu sách về dinh dưỡng trong năm 2025.
Bên cạnh đó, cô cũng bị thu hút bởi các sách về lịch sử và chính trị. Qua những video trên TikTok và lời giới thiệu từ đồng nghiệp, Thảo quyết định mua Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond để hiểu hơn về các biến động lịch sử và những sự kiện đang diễn ra trên thế giới.
"Với mình, sách giúp mở rộng tầm nhìn và cách suy nghĩ. Khi biết nhiều hơn, mình sẽ có những góc nhìn khách quan và phản ứng thông minh hơn trước mọi vấn đề", Thảo chia sẻ.
Ngọc Hân (27 tuổi, TP.HCM, làm việc trong lĩnh vực giáo dục) luôn xem sách là cánh cửa mở ra thế giới tri thức. Cô thích những cuốn sách có yếu tố lịch sử, bất kể đó là tiểu thuyết hư cấu hay sách nghiên cứu.
Năm 2024, dù chưa đọc được nhiều như kỳ vọng, nhưng Hân đã tìm thấy một số cuốn sách khiến cô suy nghĩ sâu sắc. Cậu bé mang pyjama sọc của John Boyne là một trong số đó, giúp cô hiểu rõ hơn về những góc khuất đau thương trong Thế chiến II. Ngoài ra, Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata – câu chuyện về hành trình đi tìm tri thức của những đứa trẻ nghèo ở Indonesia – cũng để lại trong cô nhiều cảm xúc.
Bước sang năm 2025, Hân đặt mục tiêu đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tháng. Cô chọn Sapiens: Lược sử loài người của Yuval Noah Harari làm điểm khởi đầu. Sau khi hoàn thành, cô tiếp tục với Giết con chim nhại của Harper Lee.
Để duy trì thói quen đọc, Hân đầu tư một số dụng cụ hỗ trợ như giá đỡ sách để tránh mỏi cổ và bookmark nam châm để đánh dấu tiến độ. Cô tin rằng, khi có công cụ hỗ trợ và mục tiêu rõ ràng, việc đọc sách sẽ trở thành một niềm vui thay vì áp lực.
Hoàng Minh (27 tuổi, TP.HCM, làm việc trong ngành sáng tạo game) bắt đầu đọc sách từ những năm cấp 2, khi thấy anh trai thường xuyên cầm tiểu thuyết trên tay. Những tác phẩm như Nanh trắng (Jack London) hay Người tù khổ sai (Henri Charriere) đã khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong anh.
Khi trưởng thành, Minh mở rộng danh sách đọc sang cả sách phi hư cấu, đặc biệt là các chủ đề lịch sử và khoa học. Một trong những cuốn sách gây ấn tượng với anh gần đây là Sapiens: Lược sử loài người. "Dù là sách khoa học nhưng cách viết lại rất cuốn hút, khiến mình không thể ngừng đọc. Nó giúp mình có cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử và sự phát triển của loài người", Minh nói.
Bước vào năm 2025, Minh đặt trọng tâm vào các cuốn sách phục vụ công việc. Anh lên kế hoạch đọc Nghệ thuật thiết kế game của Jesse Schell và The Creative Gene của Hideo Kojima – một nhà thiết kế game Nhật Bản mà anh ngưỡng mộ. Ngoài ra, Minh cũng tìm kiếm các đầu sách về tâm lý con người, bởi theo anh, "để làm game hay, cần hiểu rõ người chơi đang nghĩ gì và mong muốn điều gì".
Không đặt nặng số lượng, Minh quan tâm đến việc thấu hiểu nội dung và ứng dụng những kiến thức học được vào thực tế. Với anh, sách không chỉ là công cụ giải trí, mà còn là người thầy truyền cảm hứng và tri thức.
Dù bận rộn với công việc văn phòng và cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn giữ thói quen đọc sách như một phần không thể thiếu. Họ đọc để tìm kiếm tri thức, để phát triển bản thân và để tìm thấy những góc nhìn mới mẻ trong cuộc sống.
Với sự đa dạng trong lựa chọn – từ lịch sử, tâm lý, dinh dưỡng đến phát triển cá nhân – có thể thấy rằng Gen Z đang định hình một phong cách đọc rất riêng, nơi sách không chỉ là nguồn kiến thức, mà còn là công cụ giúp họ hiểu chính mình và thế giới xung quanh.
Bạn có đang đọc sách không? Nếu có, danh sách đọc của bạn năm nay có gì thú vị?