Trước đây, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm chỉ làm được thành từng lát mỏng vì không có mạch máu, nên dinh dưỡng không đến được những chỗ sâu bên trong mô thịt.
Để khắc phục điều đó, nhóm nghiên cứu ở Đại học Tokyo đã nghĩ ra cách đưa các sợi rỗng siêu nhỏ vào bên trong miếng thịt. Những sợi này hoạt động giống như mạch máu nhân tạo, giúp vận chuyển chất dinh dưỡng đến từng tế bào.
“Chúng tôi sắp xếp các sợi rỗng cực kỳ chính xác để giúp mô thịt phát triển đều,” – giáo sư Shoji Takeuchi cho biết.
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một miếng thịt gà viên nặng 10 gram, được làm từ tế bào gà thật nhưng nuôi trong phòng thí nghiệm.
Khi kiểm tra, họ phát hiện hàm lượng protein cao hơn và kết cấu gần giống thịt gà ngoài đời, điều mà trước đây chưa làm được.
Những sợi mạch máu giả này vốn là vật liệu dùng trong máy lọc nước và thiết bị lọc máu, nhưng giờ lại cho thấy hiệu quả bất ngờ trong nuôi cấy thịt nhân tạo.
Mục tiêu của việc phát triển thịt nuôi trong phòng thí nghiệm là giảm ô nhiễm môi trường và không phải giết mổ động vật. Ngành chăn nuôi hiện nay tốn rất nhiều nước, đất và thải ra khí gây nóng lên toàn cầu.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thử thách: chi phí sản xuất cao, quy định nghiêm ngặt, văn hóa ăn uống chưa quen với “thịt phòng thí nghiệm”…
Ngoài việc tạo ra món ăn, công nghệ này còn có thể giúp phát triển mô sinh học để chữa lành vết thương hoặc cấy ghép nội tạng trong tương lai.
“Công nghệ này giúp thịt nhân tạo có hương vị và kết cấu thật hơn, có thể sớm đưa vào sản xuất đại trà,” – giáo sư Takeuchi nói thêm. “Và còn có thể dùng trong y học và robot nữa.”