"Nghe bảo về nước dễ kiếm việc, lại nhớ nhà nên mình quyết định quay về. Giờ thất nghiệp đã bốn tháng, thật sự muốn quay lại nước ngoài," – chia sẻ đầy tiếc nuối của một bạn trẻ từng học tập ở châu Âu, giờ đang ngụp lặn trong hành trình tìm việc tại quê nhà.
Một trường hợp khác: “Tôi từng thử việc ở vài công ty, nhưng thấy môi trường không hợp, công việc không phù hợp kỳ vọng.” Trong khi đó, nhiều người còn do dự chưa dám về nước vì lo ngại không thể cạnh tranh với thế hệ trẻ trong nước đang ngày càng năng động và tài năng.
Những dòng tâm sự như vậy tràn ngập các diễn đàn, hội nhóm dành cho du học sinh, phản ánh thực trạng ngày càng phổ biến: về nước không hẳn là con đường trải hoa hồng. Dù sở hữu bằng cấp quốc tế, du học sinh vẫn có thể lâm vào cảnh thất nghiệp nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình quay về.
Theo anh Lê Đình Hiếu, nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) và là chuyên gia giáo dục, sự gia tăng số lượng du học sinh chọn về nước trong 5-6 năm qua bắt nguồn từ nhiều yếu tố: cơ hội ở lại nước ngoài không còn rộng mở, chi phí sống cao, mong muốn đóng góp cho quê hương... Tuy nhiên, không ít người trở về lại rơi vào thế bị động.
Nguyên nhân đầu tiên chính là sự chênh lệch kỳ vọng. Nhiều bạn từng quen với mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch ở nước ngoài. Khi về nước, sự khác biệt trong văn hóa doanh nghiệp, chế độ đãi ngộ khiến họ hụt hẫng.
Thứ hai là thiếu hụt mạng lưới kết nối. Sau nhiều năm học tập ở nước ngoài, mối quan hệ trong nước dần mai một. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa có nhiều kênh tiếp cận ứng viên từ thị trường quốc tế. Mặc dù một số công ty "headhunter" đã xuất hiện để kết nối lực lượng trí thức Việt ở nước ngoài, nhưng mạng lưới này vẫn còn hạn chế.
Cuối cùng là sức cạnh tranh trong nước ngày càng khốc liệt. Sinh viên học trong nước, đặc biệt ở các chương trình liên kết quốc tế, đang dần rút ngắn khoảng cách về năng lực. Một tấm bằng ngoại quốc không còn là yếu tố “bảo chứng” cho một công việc lý tưởng.
Không chỉ du học sinh gặp khó, các nhà tuyển dụng Việt Nam cũng đang đối mặt với bài toán nan giải: làm sao khai thác hiệu quả nguồn nhân lực từng học tập ở nước ngoài.
Một phần do họ thiếu thông tin chính xác về các trường đại học quốc tế – dẫn tới việc không đánh giá đúng năng lực của ứng viên, hoặc "xếp" họ vào những vị trí chưa phù hợp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp e ngại chi trả mức lương cao cho du học sinh vì sợ phá vỡ cấu trúc đãi ngộ hiện có.
Trong khi đó, du học sinh cũng khó chấp nhận mức lương thấp hơn kỳ vọng, khiến cả hai bên khó tìm được tiếng nói chung.
Dù gặp nhiều thử thách, anh Lê Đình Hiếu cho rằng du học sinh vẫn sở hữu nhiều lợi thế vượt trội: ngoại ngữ thành thạo, tư duy phản biện, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc quốc tế và cả mạng lưới toàn cầu.
Tuy nhiên, để phát huy hết giá trị đó, du học sinh cần:
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp trong nước cũng nên xem du học sinh là nguồn lực cần đầu tư lâu dài, thay vì đòi hỏi sự "toàn năng" ngay lập tức. Những giá trị mà họ mang lại – như tư duy toàn cầu, cách tiếp cận mới, kết nối quốc tế – có thể giúp doanh nghiệp Việt nâng tầm nếu biết cách tận dụng.
Để du học sinh không bị lãng phí tiềm năng, chính doanh nghiệp cũng cần linh hoạt hơn trong cách đánh giá, lắng nghe và xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp.
Chọn về nước sau khi du học là một quyết định nhiều cảm xúc, nhưng cũng cần lý trí và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi từng ngày, đòi hỏi mỗi cá nhân – dù học trong nước hay quốc tế – đều phải linh hoạt, kiên nhẫn và không ngừng học hỏi. Bằng cấp là một lợi thế, nhưng thích nghi mới là chìa khóa để thành công.