Perplexity – một startup AI non trẻ ở Thung lũng Silicon – đang trở thành tâm điểm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các ông lớn công nghệ. Dù chỉ đơn giản là một công cụ tóm tắt nội dung trực tuyến và đưa kèm liên kết, Perplexity vẫn được định giá lên đến 14 tỷ USD, thu hút sự chú ý đặc biệt từ Meta và Apple.
Được quảng bá là một “cỗ máy trả lời” thay vì chỉ là công cụ tìm kiếm, Perplexity sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) để trả lời các câu hỏi bằng văn phong tự nhiên, trích dẫn nguồn và hiển thị liên kết. Giao diện không quảng cáo, không lộn xộn bởi SEO, trải nghiệm nhanh và sạch khiến nó được lòng người dùng – đặc biệt là cộng đồng đam mê công nghệ trên X (Twitter).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi. Theo họ, Perplexity không sở hữu mô hình AI riêng, cũng không tự xây dựng hạ tầng mà chủ yếu là “gói lại” các API có sẵn như của OpenAI hay Google. Nói cách khác, nó chỉ là một lớp sơn mới bóng bẩy cho những gì vốn đã tồn tại.
Dù vậy, điều đó không ngăn được làn sóng đầu tư đổ vào. Tháng 5/2025, Perplexity huy động được 500 triệu USD, đẩy định giá lên mức 14 tỷ USD, tăng vọt so với mốc 9 tỷ USD cuối năm 2024. Trong số các nhà đầu tư có Jeff Bezos và Nvidia – những cái tên càng khiến Perplexity được chú ý.
Apple và Meta, theo Bloomberg, đều đã có những cuộc đàm phán ban đầu để mua lại Perplexity, dù chưa có lời đề nghị chính thức. Lý do rất đơn giản: họ không muốn phụ thuộc vào Google, và Perplexity là tấm vé nhanh nhất để họ bước chân vào lĩnh vực tìm kiếm AI.
Trong khi đó, Perplexity ngày càng vấp phải chỉ trích từ các hãng truyền thông lớn. New York Times, Wired, Forbes, và mới nhất là BBC, đã tố startup này sao chép nội dung mà không xin phép hoặc ghi rõ nguồn. BBC thậm chí đang xem xét hành động pháp lý vì nghi ngờ nội dung của họ bị dùng để huấn luyện mô hình AI mặc định của Perplexity.
CEO Aravind Srinivas đã phản bác rằng Perplexity chỉ là “trình tổng hợp thông tin” và khẳng định công ty luôn hướng đến mô hình có lợi cho toàn bộ internet. Startup này cũng từng công bố chương trình chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản – một động thái nhằm xoa dịu làn sóng phản đối.
Nhưng ở trung tâm cơn sốt này vẫn là một câu chuyện quen thuộc: tiền từ tìm kiếm. Quý I/2025, Google thu về 50,7 tỷ USD từ quảng cáo tìm kiếm – một con số mà bất kỳ đối thủ nào cũng thèm muốn. Nếu Perplexity chỉ cần chiếm được một phần nhỏ lượng người dùng, nó đã đủ để thay đổi cục diện thị trường.
Và điều quan trọng hơn cả: ai kiểm soát công cụ tìm kiếm tiếp theo sẽ kiểm soát hành vi người dùng. Giống như cách Google từng thay thế Yahoo, Perplexity hoàn toàn có thể thay thế Google – ít nhất trong mắt những gã khổng lồ công nghệ đang sẵn sàng chi đậm để không bị bỏ lại phía sau.