Theo nguồn tin từ Drive, Honda dự định khởi động dây chuyền sản xuất thử nghiệm pin thể rắn vào tháng 1/2025. Đây là bước tiến chiến lược để hãng xe Nhật Bản không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn giảm tới 25% chi phí sản xuất pin, thu nhỏ kích thước pin đến 50% và cắt giảm 35% trọng lượng.
Với các cải tiến vượt bậc, Honda tự tin sẽ giúp xe điện của mình đạt phạm vi hoạt động gấp đôi, đồng thời thời gian sạc pin có thể rút ngắn chỉ còn vài phút. Đây là lời giải cho bài toán lo ngại về phạm vi hoạt động và thời gian sạc vốn là trở ngại lớn nhất với người dùng xe điện.
Không riêng Honda, nhiều tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô đang tham gia vào cuộc đua phát triển pin thể rắn. Hàng tỷ USD đã được đổ vào nghiên cứu và phát triển loại pin này, với kỳ vọng thay đổi cục diện ngành xe điện.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với tiềm năng của công nghệ này. CATL – nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới – bày tỏ sự nghi ngờ về tính khả thi của pin thể rắn.
Robin Zeng, CEO của CATL, đã từng tuyên bố vào tháng 4/2024 rằng pin thể rắn "không đáng tin cậy, thiếu an toàn và không bền bỉ". Dù CATL đã dành hơn một thập kỷ nghiên cứu về pin thể rắn, họ vẫn tập trung vào công nghệ pin natri-ion với vật liệu bán rắn – được cho là thực tiễn hơn và có khả năng thương mại hóa cao hơn.