Châu Âu vừa tiến một bước lớn trong cuộc chiến chống HIV khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đưa ra khuyến nghị cấp phép cho lenacapavir – thuốc tiêm phòng HIV có tác dụng kéo dài tới sáu tháng.
Thuốc, do công ty Gilead Sciences phát triển và mang tên thương mại Yeytuo tại thị trường Châu Âu, được đánh giá có hiệu quả gần như tuyệt đối trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho cả nam và nữ. Nếu khuyến nghị này được Ủy ban Châu Âu thông qua, lenacapavir sẽ được lưu hành chính thức tại 27 quốc gia EU cùng với Iceland, Na Uy và Liechtenstein.
So với các phương pháp dự phòng hiện có như uống PrEP hằng ngày hoặc tiêm cabotegravir mỗi hai tháng, lenacapavir vượt trội về mặt tiện lợi khi chỉ cần tiêm hai lần mỗi năm. Đây là lợi thế lớn cho những người e ngại việc uống thuốc mỗi ngày hoặc khó tiếp cận cơ sở y tế định kỳ.
Theo bà Winnie Byanyima – Giám đốc UNAIDS, lenacapavir có thể "thay đổi cục diện của đại dịch HIV" nếu được cung cấp rộng rãi hơn. Trước đó vào tháng 6, FDA cũng đã cấp phép sử dụng thuốc này tại Mỹ. WHO đồng thời khuyến nghị lenacapavir nên được bổ sung vào danh mục dự phòng cho các nhóm nguy cơ cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kỳ vọng, vẫn có lo ngại về khả năng phân phối thuốc một cách công bằng. Gilead hiện đã cấp phép sản xuất và bán phiên bản giá rẻ tại 120 quốc gia có tỷ lệ HIV cao, bao gồm nhiều nước ở Châu Phi, Đông Nam Á và Caribe. Nhưng khu vực Mỹ Latinh – nơi dịch HIV đang lan rộng – lại chưa nằm trong danh sách này, làm dấy lên lo ngại về sự bất bình đẳng trong tiếp cận thuốc.
Theo số liệu của UNAIDS, hiện có hơn 40 triệu người đang sống chung với HIV và khoảng 630.000 ca tử vong do AIDS trong năm qua. Với tác dụng bảo vệ lâu dài và hiệu quả cao, lenacapavir được xem là bước ngoặt trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch kéo dài hơn bốn thập kỷ này.