Giữa nhịp sống số, nơi video ngắn và mạng xã hội thống trị tâm trí giới trẻ, một sáng kiến mới mang tên BookTok - Sử dụng AI lan tỏa văn hóa đọc đã chính thức được khởi động vào sáng 19/4 tại Đường sách TP Thủ Đức. Cuộc thi không đơn thuần là sân chơi sáng tạo mà còn là chiếc cầu nối công nghệ và tri thức, khuyến khích người trẻ cầm lên một cuốn sách – rồi kể lại câu chuyện của nó bằng chính ngôn ngữ của thời đại.
Không còn giới hạn trong những trang giấy tĩnh lặng, văn hóa đọc đang tìm thấy một diện mạo mới – sống động hơn, dễ tiếp cận hơn – thông qua lăng kính AI. Với một chiếc điện thoại thông minh và công cụ hỗ trợ từ trí tuệ nhân tạo, mỗi bạn trẻ có thể quay một video từ 30 giây đến 1 phút 30 giây để nói về cuốn sách mình yêu thích, rồi gửi về Fanpage “Tuổi trẻ Thành phố Thủ Đức” để cùng nhau chia sẻ, lan tỏa.
Những đoạn video ấy không chỉ là bài dự thi, mà còn là lời mời gọi cộng đồng đến gần hơn với những cuốn sách, bằng thứ ngôn ngữ họ quen thuộc nhất: hình ảnh, âm thanh, cảm xúc và công nghệ.
Tại lễ phát động, ông Nguyễn Thanh Hân – Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kinh tế xuất bản – nhấn mạnh:
Cuộc thi nhận được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị như Tạp chí Tri Thức, Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM và các CLB hoạt động cộng đồng, tạo nên một mạng lưới hỗ trợ vững chắc cho những người trẻ yêu sách.
Cùng với cuộc thi, tọa đàm “Đọc sách - Làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã thu hút đông đảo người tham dự. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt mang đến một hình ảnh đầy chất thơ: "Đọc sách như cậu bé mang chiếc rổ ra suối lấy nước – có thể nước trôi qua hết, nhưng rổ sẽ sạch lúc nào chẳng hay. Đó là cách sách làm sạch tâm trí, mài giũa tư duy.”
Với anh, không có cuốn sách nào là vô nghĩa – mỗi lần đọc là một lần gặp lại chính mình ở một khoảnh khắc khác của cuộc đời. Và quan trọng nhất, đọc không cần vội, không cần thành tích – mà cần sự kiên trì.
Chị Ông Thị Ngọc Linh – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM – thì nhìn nhận rõ hơn sự thay đổi của độc giả: “Người trẻ hôm nay không chỉ tìm kiếm tri thức mà còn khao khát cảm xúc. Một cuốn sách khiến họ rung động, thúc đẩy họ sống đẹp – đó mới là thành công của văn hóa đọc.”
Và để làm được điều đó, sách cũng cần những người dẫn đường mang tính biểu tượng. Đó là lý do vì sao các đơn vị xuất bản ngày càng chú trọng hợp tác với những gương mặt có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng mạng – để mỗi cuốn sách không chỉ nằm im trên kệ mà trở thành phần của cuộc sống.
Chia sẻ tại chương trình, nữ sinh Bùi Ngọc Hân – một người trẻ đam mê đọc sách – cho biết: “Sách ngày nay không còn giới hạn ở giấy. Sách điện tử, sách nói và video ngắn là cách mà thế hệ chúng em tiếp cận tri thức. Điều quan trọng là sách có giúp em hiểu hơn về bản thân và nuôi dưỡng khát vọng hay không.”
Những người trẻ như Hân chính là minh chứng rằng, văn hóa đọc không hề mai một – nó chỉ đang thay hình đổi dạng, thích nghi với thời đại, và tiếp tục sống một cách mạnh mẽ.