The Velvet Sundown bắt đầu gây chú ý từ tháng 6 khi phát hành hai album Floating On Echoes và Dust And Silence. Phong cách âm nhạc của nhóm mang hơi hướng rock thập niên 1960 pha trộn với indie pop, nhanh chóng chinh phục người nghe và lọt vào nhiều bảng xếp hạng quốc tế. Bài hát “Dust on the Wind” của nhóm hiện đã đạt hơn một triệu lượt nghe trên Spotify – con số đáng kể đối với một ban nhạc chưa từng biểu diễn trực tiếp hay phỏng vấn công khai.
Sự thiếu vắng hoàn toàn về hoạt động biểu diễn và danh tính rõ ràng khiến nhiều người nghi ngờ. Trước áp lực từ công chúng, đầu tháng 7, The Velvet Sundown cập nhật tiểu sử trên Spotify, xác nhận họ là một ban nhạc do AI hỗ trợ tạo ra. Nhóm mô tả dự án là “sản phẩm âm nhạc tổng hợp, được định hướng sáng tạo bởi con người, nhưng được sáng tác, thu âm và hình ảnh hóa nhờ trí tuệ nhân tạo”.
Ban nhạc gồm bốn thành viên ảo: Gabe Farrow (ca sĩ kiêm chơi mellotron), Milo Rains (điều khiển bộ tổng hợp), Orion ‘Rio’ Del Mar (bộ gõ), và Lennie West (guitar). Dù không tồn tại ngoài đời thực, nhóm vẫn hoạt động như một ban nhạc thực thụ, với hình ảnh quảng bá mang phong cách hoài cổ, cá tính.
Sau khi công khai nguồn gốc, The Velvet Sundown khẳng định: “Đây không phải là một trò lừa bịp – mà là một tấm gương phản chiếu. Một sự khiêu khích nghệ thuật đang diễn ra để thách thức ranh giới về quyền tác giả, bản sắc và tương lai âm nhạc trong thời đại AI”. Họ tiếp tục phát hành album mới Paper Sun Rebellion vào ngày 14/7.
Sự xuất hiện của nhóm đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Các chuyên gia như Roberto Neri (CEO Học viện Ivors) và Sophie Jones (Giám đốc chiến lược BPI) kêu gọi bắt buộc gắn nhãn rõ ràng cho các sản phẩm âm nhạc do AI tạo ra. Họ cho rằng người nghe có quyền biết mình đang tiếp nhận nội dung từ đâu, đặc biệt khi các sản phẩm này có thể làm lu mờ nghệ sĩ thật.
Liz Pelly, tác giả sách Mood Machine, chỉ ra rằng nhiều hệ thống AI được huấn luyện từ dữ liệu âm nhạc gốc mà không xin phép hay trả phí cho người sáng tạo. Điều này không chỉ gây tranh cãi về mặt pháp lý mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của các nghệ sĩ độc lập.
Trước tình hình đó, nền tảng Deezer đã triển khai phần mềm phát hiện và dán nhãn các bài hát do AI tạo. Giám đốc Đổi mới của hãng – ông Aurélien Hérault – nhấn mạnh: “Trong quá trình bình thường hóa AI, minh bạch là yếu tố then chốt để duy trì niềm tin của người dùng”.
Ngược lại, Spotify – nơi đang lưu hành hàng triệu bài hát – giữ quan điểm trung gian. Đại diện nền tảng này cho biết trách nhiệm xác định nguồn gốc bài hát thuộc về người tải nội dung lên, không phải nền tảng. Quan điểm này gây nhiều tranh cãi, khi nhiều người cho rằng Spotify đang lặp lại lỗi cũ của ngành công nghiệp streaming: để công nghệ hưởng lợi, còn nghệ sĩ thì bị bỏ lại phía sau.