Minh Anh Minh Anh
19/09/2021 07:17:44

Bục giảng online

Một tuần qua, từ khóa “học online” được nhắc đến nhiều mỗi khi đọc báo, lướt phây. Tất cả là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh - chuyện không nói nữa.

Tuy nhiên, sự khó khăn, vất vả của phụ huynh, học sinh và cả sinh viên khi học trực tuyến được nhắc đi nhắc lại với tần suất cao khiến cho người đọc dường như quên mất rằng còn một chủ thể bị ảnh hưởng rất nhiều khi hình thức học mới này được áp dụng đó chính là các thầy cô giáo.

Mấy ngày qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết chê trách thầy cô giảng dở, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí chửi giáo viên dốt nên không biết làm chủ bục giảng qua zoom.

Đau lòng hơn, đã có những clip, ảnh chụp màn hình với nội dung thầy cô giáo không giữ được bình tĩnh trong phát ngôn với sinh viên và sau đó cả nhà trường và giáo viên phải làm bia đỡ đạn trong cơn đấu tố cuồng điên của mạng xã hội.

học online

Đúng – sai thì cứ để quy chế, quy định soi sét và áp dụng hình thức xử lý. Đời mà, sinh nghề tử nghiệp là chuyện bình thường nên các anh chị cũng không cần nâng quan điểm lên để quyết tâm tế sống người khác khi họ mắc sai lầm.

Anh Ba chỉ nhắn nhủ cho nhiều anh chị hiểu rằng, những ngày chưa dịch bệnh, khi thầy cô đứng trên bục giảng, ngoài kiến thức thì sự tương tác, hành vi, cử chỉ của thầy trong suốt buổi học cũng góp phần rất lớn vào chất lượng giảng dạy.

Một ánh mắt nghiêm nghị, một câu đùa dí dỏm hoặc một cái vỗ vai động viên sẽ khiến học sinh, sinh viên cảm nhận được tình cảm thầy – trò, kính trọng đạo đức, tác phong của người làm nghề giáo.

Đó là thứ mà không thể có mạng 4G, Wifi hay thiết bị hiện đại nào có thể truyền tải được. Vì thế khi giảng dạy online, người giáo viên gần như bị tước đi hoàn toàn kỹ năng sư phạm mà xưa nay họ được đào tạo.

Chưa kể phía sau màn hình là cả trăm đôi mắt của phụ huynh đang theo dõi buổi học và trong số đó có không ít anh chị sẵn sàng than phiền, chê bai thầy cô giáo. Cá biệt có nhiều phụ huynh còn cãi nhau chí chóe ngay trong lớp học online. Tâm lý bức bối, khó chịu, thậm chí là bất lực là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Thầy cô đến giờ chưa hóa điên lên thì đã là một kỳ tích rồi.

Dạy chữ cho trẻ vỡ lòng qua máy tính có độ khó tương đương với việc tả cho người mù về màu sắc. Anh chị ở nhà dạy mỗi đứa con của mình mà đôi khi muốn phát điên lên thì nên thông cảm cho cô giáo phải vừa quản lý vừa đào tạo mấy chục học sinh như thế.

Đời sống nên có chút cảm thông, đừng có đọc mấy cái quyển sách dạy con kiểu Tây, kiểu Nhật rồi lên mạng luyến lưỡi cú diều chém gió linh tinh, chê bai những người đã mất cả thanh xuân để được đào tạo chuyên ngành sư phạm. Việc giải một bài toán và dạy cho người khác cách giải bài toán đó là 2 việc khác nhau hoàn toàn.

Nếu như trước đây chỉ cần quan sát một lần là có thể quán xuyến được lớp học thì giờ đây phải nhấp full-screen vào cửa sổ cần nhìn, thời gian đâu mà dành cho buổi học nữa?

Chưa kể từng lứa tuổi, bậc học, ý thức kỷ luật, sự tự giác cũng như kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử của mỗi học sinh, sinh viên khác nhau nên việc thầy cô đang giảng bài thì loa đột nhiên rú lên tạp âm thì tâm trạng nào nữa để thăng hoa bài giảng? Khi anh chị hát karaoke chuẩn bị vào điệp khúc mà bị đứa khác bấm nút next bài tiếp theo thì sẽ hiểu cảm giác của giáo viên lúc này.

Thời gian và công sức chuẩn bị cho một bài giảng online có khi mất cả tuần vì lý do Anh Ba nói ở trên – thầy cô phải chuyển tải cả những thứ lẽ ra có thể làm trực tiếp sang làm trực tuyến.

học trực tuyến

Nếu trước đây chỉ có mỗi học sinh hỏi ngu thì giờ đây thỉnh thoảng giáo viên phải hết sức kiên nhẫn và vị tha để nghe cả phụ huynh rên rỉ những câu vô nghĩa như: Cô giáo ơi bao giờ hết dịch hả cô? Thầy ơi sao cái tai nghe của con em bị đứt mất rồi? Cô ơi wifi nhà em tự nhiên hôm qua nay yếu quá…

Thầy cô giáo cũng là con người bình thường thôi, tội nghiệp họ lắm. Họ nhận lương chỉ để dạy 1 đứa con của anh chị thôi đừng ép thần kinh của họ phải gánh chịu sự mất nết của cả một gia đình.

Đối với sinh viên, Anh Ba nói thật, vẫn biết chiêu trò của các anh chị muôn hình vạn trạng và những trò nghịch ngợm là một phần không thể thiếu trong những ngày ngồi trên ghế giảng đường. Nhưng Anh Ba khuyên thật thời điểm này đừng tỏ ra thông minh, cá tính bằng cách troll giảng viên trong những buổi giảng online. Vui thôi chứ đừng vui quá. Ranh giới giữa vô giáo dục và tinh nghịch rất gần nhau.

Giảng viên nói riêng và ngành giáo dục đang chịu rất nhiều áp lực khi phải chạy đua với dịch bệnh. Một năm Nhà trường chỉ có mấy tháng thực hiện chỉ tiêu giáo dục và dịch bệnh đã khiến mọi thứ đình trệ rất nhiều.

Khi bày ra một trò đùa nghịch nào đó sẽ rất dễ khiến thầy cô mất bình tĩnh và có những lời nói không còn chuẩn mực, mọi thứ sẽ được ghi âm, ghi hình và cắt ghép thật ngắn gọn để câu like và nạn nhân không ai khác vẫn là những thầy cô giáo đang bộn bề vất vả. Loại học trò mà chực chờ hại thầy thì sau này ra đời cũng khó mà làm được việc gì vì sở hữu một nhân cách quá là bẩn thỉu.

Thời Anh Ba đi học, xã hội không nhạy cảm như bây giờ, nên bị thầy cô mắng chửi, phạt đòn là bình thường (tất nhiên mỗi thời mỗi khác, tôi không ủng hộ đòn roi trong học đường). Có những lúc tôi còn bị đòn oan nhưng chưa bao giờ tôi oán hận, bởi vì cái ơn dạy dỗ của người thầy, người cô đối với tôi lớn lắm.

Chính xã hội phải hiểu, cảm thông và chia sẻ cho nỗi khổ của người giáo viên. Khi cả xã hội thay đổi cách nhìn, tôn trọng thầy cô, tôn trọng tri thức thì cái xấu, cái ác chắc chắn bị đẩy lùi. Chỉ có “tôn sư” mới có thể “trọng đạo” – không thể khác được.

Khi một người ngang nhiên gọi giáo viên là “thằng thầy”, “con cô” cho dù đó chỉ là lời bình luận trên mạng đi nữa thì nhân cách người đó xem như khó có thể cứu vãn được rồi. Hãy lịch thiệp với giáo viên vì xã hội xưa nay mặc nhiên tôn vinh nghề của họ là nghề làm “thầy” dù anh chị có lớn tuổi đến chừng nào đi chăng nữa.

Đừng nghĩ mình lớn tuổi thì sẽ khôn hơn vì người ngu cũng cần phải già đi cơ mà.

Nguồn: Theo FB Nguyen Khanh ( Anh Ba Sài Gòn)

- Quảng cáo -

   
0 bình luận     0 lượt thích


Mạng xã hội dành cho đàn ông Việt

Cơ quan chủ quản: VN TELECOM Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Nguời đại diện: Nguyễn Sĩ Nông

Giấy phép MXH: 715/GP-BTTTT Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 28/12/2015.

Email: lienhe@mtv.vn. Nội dung: 0901.868.399 (Mr. Thành Nguyễn) Quảng cáo: 0932.19.69.59 (Mr. Hiếu Thượng)

Vận hành bởi: LAVICOM Văn phòng TPHCM: 416/43/32 Dương Quảng Hàm, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Điều khoản sử dụng & Thoả thuận người dùng Chính sách bảo mật Báo lỗi Giới thiệu Liên hệ

Bản quyền © 2015 - 2024. mtv.vn Giữ toàn quyền. Không được sao chép hoặc sử dụng hoặc phát hành lại bất kỳ nội dung nào thuộc mtv.vn khi chưa được phép.