Không chỉ thành công trong việc truyền tải cảm xúc, tác phẩm còn ghi điểm nhờ kịch bản chắc tay, nhịp phim ổn định, và diễn xuất chuyên nghiệp của dàn sao gạo cội như Việt Hương, Hồng Đào, Lê Khánh, Đinh Y Nhung cùng màn thể hiện bất ngờ của Ngọc Trinh.
Theo đạo diễn Khương Ngọc, mỗi bối cảnh và hình ảnh trong Chị dâu đều mang dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Giám đốc hình ảnh Nguyễn Ngọc Cường (C.U) đã góp phần truyền tải những tầng ý nghĩa này qua cách sử dụng ống kính và sắp đặt hình ảnh đầy tính toán.
Theo anh Cường, phần mở đầu của phim được xử lý với khẩu độ dày, tạo nên độ sâu trường ảnh, làm nổi bật mọi chi tiết trong khuôn hình. Cách làm này không chỉ giúp khán giả tiếp cận bối cảnh một cách trực quan mà còn mở ra thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Cảnh chị Hai Nhị gọi video cho con trai trong giấc mơ được thực hiện qua lớp kính – một hình ảnh gợi lên cảm giác như thể chị đang nói lời từ biệt từ thế giới bên kia.
Đặc biệt, tỷ lệ khung hình 16:9 ở phần mở đầu càng nhấn mạnh góc nhìn chủ quan (POV) của chị Hai Nhị – mọi sự chú ý đều tập trung vào ngôi nhà từ đường và những người thân yêu của chị, như thể ngoài đó, thế giới không còn tồn tại.
Bước sang chương Đám giỗ, anh Cường đã chọn tỷ lệ khung hình sang định dạng 2:39, mang lại cảm giác không gian rộng lớn nhưng vẫn lảng vảng nét hỗn loạn, hư ảo. Hiệu ứng này được tạo nên nhờ ống kính anamorphic, làm cho hậu cảnh trở nên mờ ảo, tạo một bức tranh hòa quyện giữa thực và hư.
Anh Cường chia sẻ: “Nhân vật chính ở đây là con tôm, con mực, món ăn, quà cáp, tập giấy tiền cháy dở, những lời đồn đoán, lề thói của làng quê. Tất cả tạo nên câu chuyện đám giỗ Nam Trung Bộ đúng nghĩa.”
Ở chương Nhà mất nóc, ngôi nhà cổ được chọn làm bối cảnh chính. Anh Cường đã sử dụng các khung hình rộng miêu tả sự đổ nát của ngôi nhà, phản ánh sâu sắc sự suy tàn cả về vật chất lẫn tinh thần con người. Những cú lia máy cận cảnh khéo léo cắt ngang hướng nhìn, tạo cảm giác ngột ngạt và ám ảnh, đại diện cho những tổn thương và mâu thuẫn nội tại của các nhân vật.
Bối cảnh nhà từ đường hơn 100 năm tuổi tạo nhiều thử thách lớn cho ê-kíp làm phim, nhưng cũng mở ra cơ hội để khai thác yếu tố nghệ thuật một cách sâu sắc. Các cột nhà cổ kính được tận dụng để chia cắt khung hình, tạo nên cảm giác về sự phân tách, xa cách trong mối quan hệ gia đình.
Như trong cảnh chị Ba Kỳ cãi nhau với chồng, cây mít trước sân trở thành ranh giới vô hình, trong khi sự rung lắc của máy quay làm tăng thêm căng thẳng. Hình ảnh Ba Kỳ ngồi bệt xuống hiên với bóng lưng phủ đầy màu xám đen là một khoảnh khắc đắt giá, tượng trưng cho tương lai mờ mịt của chị.
Anh Cường cũng chia sẻ thêm ánh sáng trong phim cũng được xử lý kỹ lưỡng, giữ sự liền mạch xuyên suốt câu chuyện kéo dài trong vỏn vẹn một ngày. Cảnh Hai Nhị ngồi một mình ngoài sân, bao quanh là ánh sáng lờ mờ của đêm tối, đối lập với ánh sáng vàng ấm áp trong căn bếp, là một ví dụ tiêu biểu.