Thế giới tiền mã hóa luôn tìm cách “mã hóa” (hay thực chất là thương mại hóa) mọi thứ có thể. Chúng ta đã từng chứng kiến cơn sốt NFT, nơi những tệp kỹ thuật số vô nghĩa được biến thành một ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ đô la – ít nhất là trong một thời gian ngắn. Và giờ đây, một nền tảng mới tuyên bố sẽ biến chính khái niệm thời gian thành tài sản có thể mua bán.
Theo The Block, một công ty có tên Time.fun tự nhận mình là một nền tảng mã hóa thời gian. Nhưng điều đó thực sự có nghĩa là gì? Về bản chất, nó đơn giản hơn (và cũng kỳ quặc hơn) so với bạn nghĩ.
Truy cập vào website của Time.fun, bạn sẽ thấy một giao diện nơi người dùng có thể tìm kiếm và trả tiền để tương tác với những “người sáng tạo” (Creator) và Influencer trong một khoảng thời gian nhất định. Câu slogan của nền tảng này là “Time Is Money” – đúng theo nghĩa đen.
Về cơ bản, Time.fun hoạt động giống như Cameo, OnlyFans hay Fiverr, nhưng được tích hợp tiền mã hóa. Những người sáng tạo nội dung có thể thiết lập mức giá riêng cho các dịch vụ của họ. Các dịch vụ trên nền tảng này rất đa dạng, từ tương tác với Influencer, ca sĩ, họa sĩ cho đến nhận tư vấn về UX hoặc thiết kế website. Người dùng có thể gửi tin nhắn trực tiếp, tham gia nhóm chat hoặc gọi thoại và video để kết nối với người sáng tạo.
Người sáng lập Time.fun, Kawz, chia sẻ với The Block:
"Tôi nghĩ mã hóa thời gian là cách tốt nhất để ‘đầu tư vào một người’, bất kể họ đang làm dự án gì. Nếu họ còn mới trong sự nghiệp, bạn chỉ cần mua thời gian của họ. Và nếu sau này họ thành công, giá trị thời gian của họ cũng tăng lên, vì sẽ có nhiều người muốn tiếp cận và nhận tư vấn từ họ. Đó chính là những gì tôi đang xây dựng."
Anh ta tiếp tục:
"Time.fun chỉ là nền tảng đầu tiên. Chúng tôi phải làm cho nó thành công trước khi nghĩ đến các ứng dụng khác. Mục tiêu dài hạn là tạo ra một loại tài sản mới, nơi mọi người có thể sở hữu thời gian của người khác, giao dịch nó và sử dụng nó cho nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau."
Nhìn chung, nền tảng này chỉ đang tái thương hiệu hóa một mô hình đã có sẵn và tích hợp vào hệ sinh thái tài chính phi tập trung (DeFi). Bản chất, mọi lao động đều tiêu tốn thời gian, và mọi công việc đều có sự trao đổi thời gian lấy tiền. Vì vậy, Time.fun thực chất chỉ là một nền tảng dịch vụ việc làm tự do (Gig Economy) với một lớp “tiền mã hóa” bên ngoài.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu ý tưởng này có thực sự đột phá hay chỉ là một chiêu trò mới để thu hút dòng tiền từ những nhà đầu tư mạo hiểm trong thế giới crypto?