Trong những tuần gần đây, DeepSeek không chỉ khuấy đảo ngành công nghệ mà còn tạo ra một làn sóng kiếm tiền rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Những bài viết với tiêu đề giật gân như "Bí kíp thành triệu phú nhờ DeepSeek" hay "Kiếm tiền ngay cả khi đang ngủ với AI" tràn ngập Weibo, Xiaohongshu và Douyin.
Từ bán khóa học, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho đến bói toán bằng AI, hàng loạt mô hình kinh doanh mọc lên, biến DeepSeek thành một công cụ kiếm tiền cho bất kỳ ai biết cách tận dụng. Ngay cả những người chưa từng quan tâm đến AI cũng không thể làm ngơ trước sức hút của công nghệ này.
Lợi dụng sự tò mò của công chúng, nhiều người đã nhanh chóng tận dụng DeepSeek để kiếm lợi. Trên nền tảng thương mại điện tử Xianyu, không ít người bán rao bán gói cài đặt DeepSeek với giá 39 nhân dân tệ (khoảng 5,34 USD), dù phần mềm này có thể tải miễn phí. Bên cạnh đó, các tài liệu hướng dẫn sử dụng AI cũng được bày bán với giá từ 1-10 nhân dân tệ/lượt tải, dù nội dung đa phần chỉ là bản tổng hợp từ các bài viết miễn phí trên mạng.
Trên Douyin, các streamer đua nhau quảng bá phần mềm dự đoán chứng khoán sử dụng DeepSeek. Dù nền tảng đã gỡ bỏ nhiều bài đăng, nhưng điều đó không ngăn cản làn sóng thương mại hóa AI lan rộng. Một nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, Tatara, còn phát triển dịch vụ bói toán bằng DeepSeek, bán các bài luận giải AI với giá từ 888-2.888 nhân dân tệ/phiên. Khi bị chỉ trích, cô thậm chí còn tự hào khoe rằng mình đã kiếm hơn 10.000 nhân dân tệ từ mô hình này.
Trước cơn sốt DeepSeek, nhiều người đã nhanh tay tạo ra các nhóm tư vấn trả phí. Trên Zhishi Xingqiu, một nền tảng chia sẻ kiến thức lớn tại Trung Quốc, có hơn 100 nhóm thảo luận về DeepSeek, trong đó một số nhóm thu phí thành viên lên đến 62 nhân dân tệ. Các buổi tư vấn 1-1 có thể tốn đến 12.000 nhân dân tệ/giờ, trong khi khóa đào tạo cá nhân trọn năm có giá lên đến 68.000 nhân dân tệ.
Trước tình trạng này, DeepSeek đã buộc phải đưa ra tuyên bố chính thức, cảnh báo về những dịch vụ mạo danh. Công ty khẳng định họ không có bất kỳ nhóm tư vấn trả phí nào và các dịch vụ chia sẻ kiến thức có thu phí dưới danh nghĩa DeepSeek đều là lừa đảo.
Không chỉ các cá nhân, ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Baidu cũng nhanh chóng tích hợp DeepSeek vào hệ thống AI của họ. Nhờ sự cạnh tranh gay gắt, giá các dịch vụ liên quan đến DeepSeek đang giảm mạnh, điển hình như Baidu Cloud đã giảm giá tới 80% sau khi bổ sung DeepSeek vào nền tảng đám mây của mình.
Cơn sốt kiếm tiền từ DeepSeek có thể chỉ là khởi đầu. Với sự phát triển không ngừng của AI, việc khai thác công nghệ này để kiếm lời chắc chắn sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.