Một sự kiện đặc biệt vừa được ghi nhận trong giới khoa học biển sâu: mực khổng lồ – sinh vật không xương sống lớn nhất thế giới – đã lần đầu tiên xuất hiện sống động trong thước phim quay dưới lòng đại dương.
Ngày 9 tháng 3 năm 2025, các nhà nghiên cứu trên tàu khảo sát Falkor thuộc Viện Đại dương Schmidt (California, Mỹ) đã quay được một cá thể mực khổng lồ con dài gần 30 cm (gần 1 foot), khi nó lướt nhẹ nhàng qua làn nước đen sâu thẳm tại độ sâu khoảng 600 mét ở vùng biển quanh quần đảo South Sandwich (Nam Đại Tây Dương).
Hình ảnh lịch sử này càng có ý nghĩa đặc biệt khi năm 2025 cũng đánh dấu 100 năm kể từ khi mực khổng lồ (Mesonychoteuthis hamiltoni) được đặt tên và xác định là một loài riêng biệt, thuộc họ mực thủy tinh (Cranchiidae).
Giáo sư Kat Bolstad từ Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), một trong các chuyên gia xác nhận video, chia sẻ đầy xúc động:
“Thật phấn khích khi thấy được cảnh mực khổng lồ con sống trong môi trường tự nhiên. Nghĩ đến việc chúng hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của loài người khiến tôi thấy nhỏ bé.”
Bà cũng cho biết thêm rằng trong suốt thế kỷ qua, loài mực khổng lồ chỉ được biết đến qua xác chết hoặc phần cơ thể tìm thấy trong dạ dày cá voi và chim biển, hoặc khi chúng săn cá răng nanh ở Nam Cực.
Theo Viện Đại dương Schmidt, mực khổng lồ trưởng thành có thể dài tới 7 mét và nặng hơn 500 kg – trở thành sinh vật không xương sống nặng nhất hành tinh. Tuy nhiên, vòng đời của loài này vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Khi trưởng thành, chúng mất đi vẻ ngoài trong suốt như lúc còn nhỏ. Trước đây, ngư dân có thể bắt gặp xác mực chết, nhưng chưa ai từng thấy mực khổng lồ còn sống ở độ sâu tự nhiên như lần này.
Đoạn phim kỳ diệu này được ghi lại trong chiến dịch Ocean Census kéo dài 35 ngày, nhằm khám phá các loài sinh vật biển mới.
Trước đó, trong một chuyến khảo sát khác đầu năm 2025 cũng trên tàu Falkor, các nhà khoa học đã ghi hình loài mực thủy tinh băng giá (Galiteuthis glacialis) – một thành viên khác trong họ mực thủy tinh – lần đầu tiên xuất hiện sống trong tự nhiên tại Nam Đại Dương, gần Nam Cực.
Bà Jyotika Virmani, Giám đốc điều hành Viện Schmidt, nhận xét:
“Việc lần lượt phát hiện hai loài mực khác nhau trong hai chuyến khảo sát liên tiếp thật sự cho thấy chúng ta mới chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ của sự sống dưới đáy Nam Đại Dương.”
Tính đến nay, đã có ít nhất bốn loài mực ngoài tự nhiên được ghi hình sống bởi thiết bị lặn điều khiển từ xa SuBastian, trong đó có mực Ram’s Horn (Spirula spirula) vào năm 2020 và mực Promachoteuthis vào năm 2024.