Graeme Souness từng nói: “Đội chạm bóng trước là đội chiến thắng”. Câu nói ấy có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho một Manchester United đang đánh mất bản sắc vì không thể kiểm soát khu trung tuyến – nơi quyết định tốc độ, không gian và nhịp điệu trận đấu.
Sau thời hoàng kim với những cái tên như Roy Keane, Scholes, Giggs hay Beckham, MU dần rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền vệ trung tâm kéo dài. Kể từ sau Owen Hargreaves năm 2007, Quỷ đỏ gần như không có thêm cái tên nào đủ đẳng cấp để chi phối khu trung tuyến. Ngay cả khi sở hữu hàng công khủng như Ronaldo – Rooney – Tevez (2008), đội bóng vẫn lép vế trước những Barcelona thừa sự áp đảo nơi hàng tiền vệ.
MU đã chi hàng trăm triệu bảng cho Pogba, Fred, Matic, Schweinsteiger, Herrera, Eriksen, Casemiro, Ugarte… nhưng chưa ai trở thành trụ cột kiểm soát tuyến giữa. Thay vì một bộ não chiến thuật, những gì MU có chỉ là sự chắp vá giữa năng lực hạn chế và phong độ thiếu ổn định.
Khi bóng đá hiện đại đặt nặng pressing và kiểm soát không gian, việc MU vẫn loay hoay ở tuyến giữa khiến cả hàng thủ lẫn hàng công chịu thiệt. Họ không có cầu thủ “chia bài”, không có người điều tiết nhịp độ – khiến mọi phương án chiến thuật của HLV đều khó triển khai.
HLV Ruben Amorim là người đầu tiên thẳng thắn chỉ ra điểm yếu sống còn của MU sau trận hòa 0-0 trước Leeds: “Chúng tôi thiếu tốc độ ở trung tuyến, khoảng cách giữa các tuyến quá lớn. Giành bóng trở nên rất khó khăn”.
Ông thầy người Bồ muốn xây dựng lối đá hiện đại, kiểm soát bóng và pressing như Guardiola hay Klopp. Nhưng không có “cỗ máy” ở giữa sân, tất cả đều trở nên lý thuyết.
Dù đã bổ sung Matheus Cunha và Mbeumo cho hàng công, Amorim hiểu rất rõ: “Không ai có thể ghi bàn nếu không được tiếp bóng”. Hàng tiền đạo MU có thể rất tiềm năng – như Højlund, Zirkzee hay Chido Obi – nhưng sẽ không thể bùng nổ nếu phía sau họ là một tuyến giữa rệu rã, chậm chạp và thiếu ý tưởng.
Pep Guardiola từng biến John Stones thành tiền vệ điều phối, Bernardo Silva thành trung tâm kiểm soát. Klopp dùng Henderson, Wijnaldum như những “động cơ” đầy cơ bắp và thông minh. MU thì ngược lại: chia nhỏ ngân sách, ký hợp đồng theo kiểu “chắp vá”, và mong đợi phép màu.
Thực tế đã chứng minh: Bruno Fernandes không thể “gánh team” một mình. Casemiro đã ở bên kia sườn dốc. Ugarte chưa chứng tỏ được gì. Và “quái vật tuyến giữa” kiểu Roy Keane hay Carrick vẫn là giấc mơ xa vời tại Old Trafford.
Nếu MU muốn tái thiết thực sự, họ phải dồn toàn lực để chiêu mộ một tiền vệ trung tâm đẳng cấp – người vừa có thể tranh chấp, vừa điều phối nhịp độ, vừa sở hữu bản lĩnh thủ lĩnh. Không ai nói rằng MU cần người sút xa 30 mét mỗi trận, mà là cầu thủ chạm bóng đầu tiên, giành lại quyền kiểm soát và điều hướng trận đấu theo ý mình.
Khi ấy, mọi chiến thuật pressing, ban bật hay chuyển trạng thái mới có thể phát huy hiệu quả. Không có điều đó, MU chỉ đang “xây lâu đài trên cát”, bất chấp bao nhiêu ngôi sao tấn công đổ về.
Amorim có thể là người phù hợp để dẫn dắt một cuộc cải tổ. Nhưng nếu không có một “ông chủ” thực sự ở tuyến giữa, mọi nỗ lực của ông chỉ là chữa cháy trong một căn nhà đã mục rữa từ móng.
Tiền vệ MU sau thời Sir Alex – các thương vụ nổi bật:
Hiệu quả: Không ai trở thành thủ lĩnh tuyến giữa thực sự.