Không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta hay nói “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nôm na là đàn ông mà không uống rượu thì “bèo nhèo” như cờ mà không gặp gió vậy. Thế nên, nhắc đến đàn ông, là nhắc đến chuyện nhậu. Nói phàm thì nhậu, nói cho thi, cho nhã là đối tửu, ẩm tửu.
Ở xứ Trung Quốc, Lý Bạch được xưng là thi tiên cũng không thể thiếu hình ảnh bầu rượu giắt ngang lưng. Vị thi tiên thời nhà Đường nổi tiếng cũng một phần bởi vừa uống rượu, vừa ngâm thơ.

Một trong các bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch mà có lẽ nhiều cánh mày râu “đã yêu văn mà lại trót mê tửu” luôn nhớ là bài Thương tiến tửu (Xin mời rượu):
Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!
Hựu bất kiến:
Cao đường minh kính bi bạch phát,
Triêu như thanh ty, mộ thành tuyết.
Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt!
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai.
Phanh dương tể ngưu thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi.
Sầm phu tử,
Đan Khâu sinh.
Thương tiến tửu,
Bôi mạc đình!
Dữ quân ca nhất khúc,
Thỉnh quân vị ngã khuynh nhĩ thính:
“Chung cổ soạn ngọc hà túc quý,
Đãn nguyện trường tuý bất nguyện tỉnh!
Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Trần vương tích thời yến Bình Lạc,
Đẩu tửu thập thiên tứ hoan hước.”
Chủ nhân hà vi ngôn thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã,
Thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu,
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu.
Dịch thơ là:
Anh không thấy:
Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống,
Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa.
Anh lại không thấy:
Cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc,
Sáng còn như tơ đen mượt, chiều tối đã trắng như tuyết.
Đời người khi nào đắc ý nên tận tình vui sướng,
Đừng để chén rượu vàng cạn queo nhìn vầng trăng.
Trời sinh ra ta có tài thì ắt sẽ được dùng,
Ngàn vàng tiêu sạch hết rồi sẽ có trở lại.
Mổ dê giết trâu cứ vui cái đã,
Uống một lần ba trăm ly rồi hãy tính.
Này ông bạn họ Sầm,
Này ông bạn Đan Khâu.
Xin mời uống rượu,
Chớ có ngừng chén.
Tôi xin ca một khúc cho các anh,
Xin các anh vì tôi lắng tai nghe:
“Chuông trống cỗ bàn nào có đáng quý,
Chỉ xin được say hoài không muốn tỉnh.
Xưa nay các bậc thánh hiền đều không còn tiếng tăm,
Chỉ có kẻ uống rượu mới để lại tên tuổi.
Trần vương hồi xưa mở yến hội ở Bình Lạc,
Mười ngàn đấu rượu tha hồ mà hoan lạc vui cười.”
Tại sao chủ nhân lại nói ít tiền,
Hãy mau mau mua rượu mời các anh uống.
Này ngựa hoa năm sắc,
Này áo cừu giá ngàn vàng.
Kêu đứa nhỏ ra đem đổi lấy rượu,
Cùng bạn tiêu mối sầu vạn cổ.
Đấy, như Lý Bạch nói, uống ly rượu thôi là có thể cùng tri kỷ, bạn hữu tiêu mối sầu vạn cổ cơ đấy.
Giờ nhìn lại lý do vì sao đàn ông lại thích nhậu nhé.
Nếu như phụ nữ thích làm đẹp thì cũng đừng hỏi vì sao đàn ông thích nhậu. Cũng không hẳn là thích nhậu hoàn toàn mà họ thích tụ họp lại bàn luận nhiều vấn đề sôi nổi trong cuộc sống của cánh đàn ông….
Rất nhiều câu chuyện thú vị như kinh doanh, kinh tế, chính trị, xã hội… được nảy sinh trên bàn nhậu. Đàn ông thích bình luận, nói về những vấn đề xã hội, những vấn đề họ quan tâm và đem nó ra mổ xẻ. Và có chút bia, chút rượu vào, không khí chủ đề sẽ nóng và sôi nổi hơn nhiều.
Nếu như phụ nữ chọn ăn uống, vui chơi giải trí là một cách “tám tít” thì đàn ông chọn lại chọn nhậu là một cách thể hiện cái “nhiều chuyện” của mình.
Cảm giác xôm tụ bàn luận những vấn đề đang nóng hổi của cuộc sống trên bàn nhậu làm họ rất hứng thú. Đối với họ đó là giải trí, một thứ giải trí không thể thiếu trong cuộc sống.
Bởi vậy chuyện nữ giới cấm họ nhậu thật là khó. Rất khó để miêu tả chính xác cảm giác thích nhậu của đàn ông – một cảm giác được nói những thứ mình thích và quan tâm nhất, đặc biệt trên bàn nhậu thì mọi chủ đề đều được quan tâm và mổ xẻ kĩ càng.
Có lẽ rằng nếu nữ giới tự trải nghiệm chuyện nhậu thì mới hiểu được cánh đàn ông. Trên bàn nhậu, ngoài việc chọn đồ uống và đồ nhắm đi kèm thì việc chọn được đối tượng phù hợp để nhậu có lẽ là quan trọng hơn cả. Nó quyết định cái dư âm sau khi buổi nhậu tàn tiệc. Được cùng ngồi nhậu và trò chuyện những vấn đề mình quan tâm với người ưng ý thì còn gì tuyệt bằng.
Nhậu, cái từ đơn giản ngắn gọn có nguồn gốc phương Nam ấy bây giờ đã có sức “lan tỏa” thật khủng khiếp. Đàn ông có nhiều lý do để nhậu, vui cũng nhậu mà buồn cũng nhậu. Ấy thế nhưng, trong những cuộc nhậu lại có rất nhiều thành phần khác nhau.
Chỉ có những đàn ông chân chính, bản lĩnh thì mới biết giới hạn của những cuộc nhậu để vui có chừng, dừng đúng lúc, để không biến cuộc nhậu trở thành nguồn cơn của những đau thương.
Cuối năm, nhớ mãi lời khuyên này: Bản lĩnh đàn ông không nằm ở trên ly bia, chén rượu. Bãn lĩnh của đàn ông nằm ở thái độ lúc họ nhậu. Nhậu để thêm bạn, bớt thù. Nhậu là càng phải kiểm soát cái tôi của mình. Biết uống đúng lúc, sảng khoái ân cừu. Nhưng cũng biết dừng cương vó ngựa trước khi rơi xuống hố sâu của ma men.
Cuối năm viết vài đôi câu thế thôi. Làm ấm trà cho ấm bụng đã.