Tin buồn cho nền tân nhạc Việt Nam
Theo nhiều nguồn tin, nhạc sĩ Lam Phương vừa mới qua đời ở Mỹ vào ngày 22/12 (giờ Mỹ). Ông ra đi sau thời gian điều trị bệnh tim và tai biến mạch máu não. Trước đó, khoảng trung tuần tháng 12, nhạc sĩ Lam Phương đã trở bệnh và nhập viện cấp cứu Fountain Valley, California (Mỹ).
Tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời được thông báo từ Trung tâm Thuý Nga và một số nghệ sĩ Việt Nam ở Mỹ vào chiều nay 23/12 (giờ Việt Nam).
Cố nhạc sĩ tài hoa được nhiều người yêu nhạc Việt mến mộ bởi di sản ông để lại cho nền tân nhạc Việt Nam. Từ năm 1950 cho đến khi rời khỏi cõi tạm, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác hàng trăm ca khúc nói về thân phận con người, tình yêu quê hương đất nước và chạm vào trái tim hàng triệu người.
Nhiều ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương đã trở thành biểu tượng cho một dòng nhạc riêng mang tên ông. Có thể kể đến như Thành phố buồn, Cỏ úa, Bài tango cho em, Kiếp nghèo, Tình bơ vơ, Duyên kiếp, Biển tình, Khóc thầm, Một mình, Cho em quên tuổi ngọc…

Tiểu sử nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937 ở Rạch Giá, Kiên Giang. Ông tên thật là Lâm Đình Phùng. Nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu sáng tác nhạc từ rất sớm. Ông viết ca khúc đầu tay là Chiều thu ấy vào năm 1952, lúc ấy ông mới 15 tuổi.
Ca khúc Chiều thu ấy lúc đó được nhiều ca sĩ hát và phát trên các đài phát thanh. Sau ca khúc đầu tay, nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu với các sáng tác khác như Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nhạc tình khuya…
Một trong các ca khúc bắt đầu giúp ông nổi tiếng hơn và kiếm sống là Kiếp nghèo. Sau ca khúc này, tên tuổi nhạc si Lam Phương ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Một loạt các ca khúc được cố nhạc sĩ cho ra đời sau đó đã nhận được sự yêu thích của khán giả như Biển tình, Em là tất cả, Biển sầu…

Ca khúc nổi tiếng Thành phố buồn được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác trong một dịp về Đà Lạt đã từng được bán với giá 12 triệu đồng vào năm 1960. Đây là một số tiền rất lớn vào lúc bấy giờ.
Năm 1970, nhạc sĩ Lam Phương qua Mỹ định cư tại đây từ 1975. Trong thời gian này, ông cho ra đời nhiều ca khúc đỉnh cao trong sự nghiệp. Ông bị tai biến và liệt nửa người vào năm 1999. Ông có thời gian sống ở Pháp trước khi trở lại Mỹ và sống cho đến giây phút cuối đời.
Nhạc Lam Phương được nhiều người yêu thích và có sự lan toả rộng rãi. Các ca khúc của ông thường mô tả cuộc sống và thân phận con người, về tình mẫu tử và đặc biệt là tình yêu quê hương.
Cố nhạc sĩ từng có tâm nguyện được trở về quê hương, nhưng do tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ Lam Phương đã không thực hiện được tâm nguyện này.