Kể từ khi sang Mỹ, chàng du học sinh Lê Duy Toàn cũng không hề nghĩ rằng một ngày nào đó anh lại quay trở lại theo nghiệp bánh tráng của ba mẹ. Hơn thế anh thậm chí còn khiến bánh tráng Việt Nam ngày càng được nhiều người biết đến khi đưa đặc sản này đến tận 42 quốc gia trên khắp thế giới.

Toàn sinh ra và lớn lên ở làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Hoà Đông (Củ Chi, TP.HCM). Thấy ba mẹ thức khuya dậy sớm làm nghề, Toàn quyết tâm đi học để ‘thoát ra khỏi cái nghề này’. Đó cũng là mong muốn của ba mẹ anh – mong cho con trai học hành thành công, có công việc ở nơi văn phòng mát mẻ, an nhàn, không phải một nắng hai sương.
Chàng trai sau những nỗ lực cố gắng cũng đã trở thành một du học ở Mỹ nhưng không ngờ rằng tại chính nơi này anh lại quay lại nghề nghiệp vốn đã ăn sâu vào ký ức của mình từ tấm bé.
Toàn cho hay khi sang Mỹ anh không nghĩ rằng món bánh tráng lại được nhiều người ưa thích đến thế. Nhưng đáng nói là mỗi khi anh đi chợ Châu Á thì bánh tráng mà anh nhìn thấy nhiều lại gắn mắc ‘made in Thailand’.Trong khi đó, qua tìm hiểu anh biết rõ Thái Lan không hề sản xuất bánh tráng nhưng sản phẩm của họ vẫn ‘chễm chệ’ trên các kệ hàng của siêu thị Mỹ.
Ngược lại trong khi đó bánh tráng ở quê ba mẹ của mình vừa ngon vừa sạch lại không ai biết đến cũng không hề có tên tuổi gì. Có lẽ vì là ‘người con’ của đất bánh tráng nên khi nhìn thấy những tệp bánh tráng không phải của người Việt trên đất Mỹ, lòng tự tôn của anh trỗi dậy. Từ đó anh nung nấu ý định về nước đưa bánh tráng quê hương ra thế giới.
Năm 2010, tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH California State, Toàn về nước. Với 500 triệu tiền vốn trong tay, anh bắt đầu xây nhà xưởng để thực hiện ước mơ.
Mẻ bánh đầu tiên anh gửi sang Nhật Bản nhưng bị khách hàng từ chối. Mẻ bánh thứ 2 anh gửi sang Mỹ, cũng nhận về câu trả lời tương tự. Cứ thế, Toàn chào hàng đi khắp nơi trên thế giới cũng đều thất bại. Thậm chí, anh quay về chào hàng cho các công ty trong nước cũng bị từ chối thẳng thừng.
Lý giải nguyên nhân, Toàn cho rằng khi ấy mình chưa biết cách chào hàng, sản phẩm còn thô sơ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của quốc tế.
Sau lần khởi nghiệp thất bại ê chề, anh phải giao bánh tráng cho các mối sỉ lẻ ngoài chợ. ‘Thậm chí hàng phải ký gửi, khi nào người ta bán hết hàng mới được nhận tiền về’.
Tình trạng đó kéo dài nhiều năm. Nhiều lúc khiến anh nản chí. Tuy nhiên một ngày nó một Tour du lịch đến thăm xưởng của anh khi ra về anh đã tặng họ những bịt bánh tráng. Vài ngày sau một du khách liên hệ lại với anh để đặt hàng đưa sang Nhật. Song suốt 8 tháng, Toàn gửi tới vài chục mẫu thử sang nhưng đều không đạt.
‘Người Nhật rất kỹ tính. Họ yêu cầu bánh phải đạt chuẩn từ độ dày, màu sắc, mùi vị… rất khắt khe. Trong suốt quá trình này, đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng mỗi lần như thế, tôi lại tự nhủ mình cố thêm chút nữa’.
Cuối cùng, sản phẩm bánh tráng của Toàn được thị trường khó tính này chấp nhận. Đó là bước ngoặt đầu tiên dẫn đến sự phát triển như bây giờ của doanh nghiệp.
Hiện tại từ Từ 200-300kg/ngày, hiện tại công suất mỗi ngày của xưởng đã lên tới 15 tấn. 180-200 công nhân làm việc thường xuyên tại xưởng với mức thu nhập giao động 6-10 triệu đồng/tháng. Vào những đợt cao điểm, xưởng phải tuyển thêm vài chục công nhân thời vụ mới kịp giao hàng cho khách.

Nếu như giai đoạn đầu, Toàn chỉ tập trung cho xuất khẩu thì 3 năm nay, anh bắt đầu cung cấp hàng cho thị trường trong nước. Đến nay, tỷ lệ xuất khẩu vẫn chiếm 70%.
Sản phẩm của Toàn đã có mặt ở 42 quốc gia trên thế giới, chưa kể vài quốc gia khác đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc… là những thị trường đang nhận hàng nhiều nhất của anh.
Toàn cho hay trong thời gian tới, anh cũng muốn đa dạng thêm các sản phẩm như bún dưa hấu, bánh tráng thanh long.