May đo cá nhân hóa bằng AI đang được ví như một cuộc cách mạng của ngành thời trang toàn cầu. Thay vì sản xuất đại trà, giờ đây, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại quét 3D cơ thể, và AI sẽ thiết kế riêng từng sản phẩm phù hợp vóc dáng, sở thích và phong cách cá nhân.
Tại Mỹ và châu Âu, các xưởng may hiện đại như Unspun ở San Francisco có thể dệt một chiếc quần vừa vặn với từng số đo của khách hàng chỉ trong chưa đầy 10 phút. Công nghệ này không chỉ loại bỏ nhu cầu thợ may truyền thống mà còn xóa đi tình trạng tồn kho, bởi mọi sản phẩm đều chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng thực sự.
Khách hàng của Unspun sử dụng nền tảng FitOS để quét cơ thể. Dữ liệu này được AI xử lý nhằm lựa chọn chất liệu, phom dáng, bảng màu, tạo nên thiết kế hoàn toàn cá nhân hóa. Một người dùng chia sẻ trên Vogue Business:
“Tôi không còn phải chạy theo mốt. Tôi mặc đồ vì sở thích cá nhân.”
Không chỉ các startup, các “ông lớn” cũng nhập cuộc. Từ năm 2024, hãng thể thao Decathlon đã hợp tác với Unspun để triển khai mô hình zero-inventory (không tồn kho). Nhờ máy dệt 3D Vega, một chiếc quần thể thao có thể được sản xuất và giao đến tay khách hàng chỉ trong 48 giờ, thay vì phải chờ 2-4 tuần như trước kia.
Theo BCG, cá nhân hóa đang trở thành một trong ba trụ cột của thị trường xa xỉ hiện đại, cùng với thủ công và bền vững. Khảo sát cho thấy, 56% khách hàng cao cấp sẵn sàng chi nhiều hơn để sở hữu món đồ được thiết kế riêng, còn 62% mong muốn tùy chỉnh chi tiết từ màu vải, đường chỉ cho tới bao bì in tên mình.
AI không chỉ giúp may đo chính xác mà còn gợi ý phối màu, thiết kế phù hợp với tông da hay phong cách cá nhân dựa trên hình ảnh Instagram của người dùng. Bên cạnh tính tiện lợi, AI còn mở ra lời giải cho bài toán lãng phí của ngành thời trang.
Fast fashion từng bùng nổ nhờ tốc độ sản xuất nhanh và giá rẻ, nhưng cũng gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Quỹ Ellen MacArthur, ngành thời trang thải ra 92 triệu tấn rác mỗi năm, với khoảng 40% quần áo sản xuất ra không bao giờ được bán. Tệ hơn, 87% sợi vải sản xuất ra bị đốt hoặc chôn lấp, chỉ dưới 1% được tái chế thành quần áo mới.
McKinsey dự báo, may đo on-demand bằng AI có thể giúp giảm từ 20-50% lượng tồn kho, giảm tỷ lệ trả hàng đến 35% và cắt giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhờ sản xuất gần nơi tiêu thụ.
“AI không chỉ tối ưu vận hành mà còn tạo ra mô hình thời trang dựa trên nhu cầu thật, thay vì sản xuất tràn lan,” McKinsey nhận định.
Theo các chuyên gia, cá nhân hóa càng cao, tính bền vững càng lớn. Bởi những món đồ được thiết kế riêng thường được người dùng trân trọng và sử dụng lâu hơn, giảm lượng rác thải ra môi trường. Time nhấn mạnh, bền vững không đơn giản nằm ở những chiếc nhãn “xanh” mà bắt đầu từ việc mỗi người chỉ mua đúng thứ mình thực sự cần.
May đo bằng AI được kỳ vọng không chỉ thay đổi ngành thời trang mà còn góp phần tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho hành tinh.