Một nghiên cứu vừa công bố trên Science Advances cho thấy loài người mới chỉ quan sát trực tiếp 0,001% đáy đại dương – tương đương diện tích tiểu bang Rhode Island ở Mỹ, hay chỉ bằng 1/10 nước Bỉ. Trong khi đó, đáy biển chiếm tới 70% bề mặt Trái Đất, và đóng vai trò thiết yếu trong điều hòa khí hậu, sản sinh oxy cũng như nhiều loại thuốc quan trọng.
Kể từ năm 1958, tổng cộng đã có hơn 43.000 chuyến lặn biển sâu được ghi nhận, nhưng con số này vẫn quá nhỏ bé so với quy mô khổng lồ của đại dương. Theo NOAA, đến tháng 6/2024, chỉ 26,1% đáy biển toàn cầu được lập bản đồ, nhưng việc quan sát trực tiếp – tức bằng mắt thường hoặc thiết bị ghi hình – vẫn cực kỳ hạn chế.
Susan Poulton, đồng tác giả của nghiên cứu và thành viên tổ chức Ocean Discovery League, nhận định:
"Mẫu dữ liệu hiện tại quá nhỏ và thiên lệch để có thể đại diện cho toàn bộ đại dương. Thật khó để mô tả các hệ sinh thái quan trọng nếu chỉ dựa vào hình ảnh vệ tinh hoặc mẫu ADN, mà không hề biết rõ những sinh vật nào đang sống tại đó."
Nghiên cứu cũng chỉ ra, gần 2/3 số lần lặn quan sát đáy biển chỉ tập trung trong phạm vi 200 hải lý tính từ ba quốc gia: Mỹ, Nhật Bản và New Zealand. Ngoài ra, phần lớn các hoạt động nghiên cứu biển sâu chỉ được thực hiện bởi năm quốc gia: Mỹ, Nhật, Pháp, Đức và New Zealand – khiến các khu vực còn lại gần như bị bỏ quên.
Đáng chú ý, đa số các chuyến lặn chỉ diễn ra ở độ sâu dưới 2.000 mét, trong khi gần 75% đáy đại dương nằm sâu hơn mức này. Những địa hình như hẻm núi hay vách dốc dưới đáy biển thường được ưu tiên khám phá, còn các vùng đồng bằng và dãy núi dưới biển thì hầu như chưa được quan sát.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Trump lại vừa bật đèn xanh cho các dự án khai thác khoáng sản biển sâu, bao gồm khu vực Clarion-Clipperton Zone – nơi đã phát hiện hàng trăm loài sinh vật mới và có thể còn tiềm ẩn các cơ chế sản sinh oxy chưa từng biết đến.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn đặt ra là: nếu việc khai thác diễn ra trước khi khoa học kịp nghiên cứu, nhiều loài sinh vật chưa được phát hiện có thể bị tuyệt chủng âm thầm. Trong vòng 6 tháng qua, các nhà khoa học đã phát hiện sinh vật sống dưới lớp trầm tích đáy biển, mở rộng định nghĩa về nơi sự sống có thể tồn tại.
Theo nhóm nghiên cứu, với tốc độ hiện tại, con người sẽ mất hơn 100.000 năm để quan sát hết toàn bộ đáy đại dương. Vì vậy, họ kêu gọi một "cuộc cải tổ toàn diện" trong cách chúng ta tiếp cận, khám phá và bảo vệ đại dương – hệ sinh thái lớn nhất nhưng ít được hiểu biết nhất trên hành tinh này.
Hiện tại, các chính sách toàn cầu về khí hậu, đa dạng sinh học và tài nguyên đại dương đang được xây dựng dựa trên một mẫu quan sát quá nhỏ bé – và điều đó có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt nếu không kịp thay đổi.