Trong hành trình kết nối công nghệ với đời sống hàng ngày, Trí Đức – chàng kỹ sư trẻ sinh năm 2003 – đã tìm ra hướng đi mới mẻ để làm mới trải nghiệm gõ tiếng Việt. Sản phẩm do Đức phát triển có tên v7, một bộ gõ thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo, không chỉ giúp giảm số lần gõ phím mà còn mở ra một cách tiếp cận mới cho tiếng Việt trong kỷ nguyên AI.
Hiện là sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo ứng dụng tại Đại học Bách khoa TP.HCM, Đức từng tham gia nhiều dự án ngôn ngữ như mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, dịch ngôn ngữ dân tộc thiểu số và chatbot tuyển sinh. Chính những trải nghiệm thực tế này giúp bạn tích lũy kiến thức vững chắc và nuôi dưỡng mong muốn tạo ra sản phẩm có ích cho cộng đồng.
Nhận thấy hạn chế của các bộ gõ truyền thống như Telex hay VNI – vốn cần đến nhiều phím và không tối ưu cho tốc độ – Đức nảy ra ý tưởng sử dụng AI để dự đoán từ ngữ một cách thông minh. Cậu đặt câu hỏi: nếu con người có thể hiểu những từ viết tắt như "gv" cho "giáo viên", liệu AI có thể làm được điều đó? Câu trả lời là có – nếu được huấn luyện đủ dữ liệu và đúng cách.
Dựa vào cấu trúc chính tả tiếng Việt gồm phụ âm đầu, vần và thanh điệu, v7 cho phép người dùng chỉ cần nhập phụ âm đầu kèm dấu để hệ thống tự hoàn thiện từ cần viết. Ví dụ, nhập “v7” sẽ gợi ý từ “Việt” – cũng chính là cảm hứng đặt tên cho bộ gõ này.
So với việc phải gõ đầy đủ từng ký tự rồi thêm dấu như truyền thống, cách tiếp cận mới giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể. Dù nhỏ gọn, bộ gõ này vẫn giữ được độ chính xác nhờ khả năng xử lý ngữ cảnh của AI.
Việc khiến một mô hình AI "hiểu" tiếng Việt không hề đơn giản. Sau nhiều thử nghiệm, Đức lựa chọn kiến trúc GPT-2 – nền tảng có khả năng học ngữ cảnh tốt – làm cốt lõi. Cậu xây dựng từ đầu một bộ mã hóa tiếng Việt riêng, lọc kỹ lưỡng các từ đúng chính tả để đảm bảo tính toàn diện.
Một thử thách lớn khác là làm sao để mô hình hoạt động mượt mà trên cả máy tính và điện thoại, vừa phản hồi nhanh, vừa đảm bảo độ chính xác. Sau hai tháng liên tục tinh chỉnh, phiên bản hiện tại của v7 có thể đoán đúng từ người dùng mong muốn với độ trễ chỉ 0,03 giây – một con số ấn tượng.
Bên cạnh đó, Đức cũng áp dụng khái niệm 8 thanh điệu thay vì 6 như truyền thống, nhằm tối ưu khả năng phân biệt ngữ âm trong tiếng Việt, dựa trên nghiên cứu của các học giả như Cao Xuân Hạo và Henri Maspero.
Ngay sau khi chia sẻ v7 lên mạng xã hội, Đức nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng công nghệ. Đáp lại sự ủng hộ, cậu quyết định mở mã nguồn bộ gõ trên GitHub, khuyến khích các lập trình viên cùng đóng góp.
Ngoài phiên bản thử nghiệm hiện tại, nhóm phát triển đang xây dựng bản cài đặt cho Windows và macOS, đồng thời lên kế hoạch ưu tiên phát hành phiên bản bàn phím iPhone – nơi người dùng thường xuyên nhập văn bản tiếng Việt.
Bên cạnh đó, mô hình AI sẽ tiếp tục được huấn luyện trên dữ liệu hội thoại để tăng độ hiểu ngữ cảnh trong giao tiếp hàng ngày.
Việc bộ gõ v7 được chấp nhận tại IJCAI 2025, một trong những hội nghị hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, không chỉ là thành quả cá nhân của Đức mà còn là dấu hiệu cho thấy tiềm năng lớn của những sáng kiến công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.
“Khoảnh khắc v7 lần đầu tiên hoàn thành một câu tiếng Việt trọn vẹn, mình đã rất xúc động. Dù nhỏ hơn ChatGPT hàng ngàn lần, nhưng nó cho thấy AI vẫn có thể nghĩ như con người,” Đức chia sẻ với niềm tự hào.