Seoul, Hàn Quốc – Giữa những biển hiệu rực rỡ của khu Seongsu-dong sầm uất, cửa hàng Kodak Corner Shop với màu vàng đặc trưng thu hút đông đảo giới trẻ ghé mua. Nhưng không phải cuộn phim hay máy ảnh, mà là thời trang Kodak mới chính là tâm điểm.
Từ áo thun, mũ lưỡi trai, ba lô cho đến váy maxi, những sản phẩm in logo đỏ vàng Kodak đang trở thành xu hướng. Nhiều bạn trẻ, như nhiếp ảnh gia Erye An, chia sẻ rằng họ tìm thấy cảm giác hoài niệm trong sắc màu “mộng mơ” của thương hiệu gắn liền với thời kỳ phim ảnh analog.
Kodak từng là “ông lớn” sánh ngang các tên tuổi như Apple hay Google. Nhưng khi kỹ thuật số bùng nổ, chính công nghệ mà Kodak từng tiên phong lại đẩy họ vào cảnh phá sản năm 2012. Hiện trụ sở Kodak tại Rochester (Mỹ) chỉ còn khoảng 1.300 nhân viên, phần lớn diện tích từng thuộc về hãng đã được bán hoặc chuyển nhượng.
Thế nhưng, trong âm thầm, Kodak đang hồi sinh, nhờ chiến lược cấp phép thương hiệu. Logo Kodak giờ không chỉ có trên phim ảnh mà phủ sóng từ quần áo, vali, kính mắt, đến cả tivi hay máy phát điện.
Hàn Quốc trở thành “thánh địa” của Kodak Apparel với 123 cửa hàng, dù không có bất kỳ cửa hàng nào tại Mỹ. Adrian Tay, biên tập viên LinkedIn News Asia, thậm chí phải khẳng định: “Kodak giờ là thương hiệu thời trang đang nổi ở Hàn Quốc – không phải chuyện đùa Cá tháng Tư.”
Năm ngoái, hoạt động nhượng quyền thương hiệu giúp Kodak thu về 20 triệu USD, tăng 35% so với 5 năm trước. Con số này vẫn còn nhỏ so với đỉnh cao doanh thu 19 tỷ USD hồi năm 1990, nhưng cho thấy bước đi thông minh của hãng trong bối cảnh thị trường thay đổi.
Hilight Brands, công ty Hàn Quốc đứng sau thành công của Kodak Apparel, còn mở rộng thương hiệu sang Nhật, Đài Loan, Trung Quốc. Kodak cũng bắt tay với Mattel để ra mắt máy ảnh và máy in Barbie màu hồng, đồng thời ký thỏa thuận lâu dài với EssilorLuxottica – tập đoàn sở hữu Ray-Ban và Oakley – để sản xuất kính mắt Kodak.
Tuy vậy, không ít chuyên gia lo ngại việc dàn trải thương hiệu có thể khiến Kodak đánh mất bản sắc cốt lõi. Timothy Calkins, giáo sư marketing Đại học Northwestern, cho rằng việc cấp phép quá nhiều phản ánh phần nào “sự sa sút” của thương hiệu.
Dẫu vậy, vẫn có những quan điểm lạc quan. Brad VanAuken, cựu giám đốc marketing Hallmark Cards, tin rằng Kodak vẫn kể tốt câu chuyện di sản của mình. Đối với cộng đồng Rochester, nơi Kodak từng là niềm tự hào, hình ảnh logo vàng đỏ trên áo hay túi xách vẫn gợi nhiều cảm xúc.
Nhiếp ảnh gia Eric Kunsman xúc động chia sẻ khi thấy người trẻ mặc áo Kodak trên đường phố Los Angeles: “Tôi có cảm giác như quê hương mình đang sống lại, dù biết rằng những món đồ ấy giờ không còn sản xuất tại Rochester nữa.”
Kodak có thể đã rời xa phòng tối của thế kỷ 20, nhưng ánh sáng từ logo vàng đỏ của họ vẫn đang tiếp tục chinh phục thế hệ mới – lần này, trên sàn catwalk và những con phố thời thượng.