Chúng ta thường nghĩ nổi da gà chỉ là biểu hiện khi lạnh, sợ hãi hay xúc động. Nhưng trên thực tế, đó là một phản xạ vô thức thuộc hệ thần kinh giao cảm – cùng cơ chế với phản ứng “chạy hoặc chiến đấu” của cơ thể.
Trong y học, hiện tượng này có tên là “cutis anserine” – tiếng Latin nghĩa là “da ngỗng”, hoặc gọi bằng cái tên khoa học hơn là “piloerection”. Đây là kết quả khi các cơ nhỏ quanh nang lông co lại, khiến lông (hay tóc) dựng đứng lên.
Phản ứng này không chỉ xảy ra khi bạn lạnh mà còn khi bạn nghe bản nhạc quá cảm xúc, xem hình ảnh xúc động, hoặc thậm chí là cảm giác sợ hãi hay kích thích. Điểm chung là tất cả đều là phản xạ không chủ ý, được điều khiển bởi cảm xúc chứ không phải lý trí.
Hầu hết các loài động vật có lông đều có phản ứng tương tự. Ví dụ, mèo khi tức giận sẽ dựng lông lên để trông lớn hơn, hay nhím dựng gai khi cảm thấy bị đe dọa. Đó là một cách phòng vệ hoặc tạo sự cách nhiệt. Khi lông dựng lên, không khí bị giữ lại tạo thành một lớp cách nhiệt tự nhiên, giúp cơ thể ấm hơn.
Không chỉ động vật có lông, chim cũng “nổi da gà” – hay chính xác hơn là “dựng lông” để giữ ấm hoặc tỏa nhiệt. Những ai từng nuôi vẹt có thể nhận thấy chim thường xù lông khi trời lạnh hay lúc cảm thấy không khỏe.
Thú vị hơn, một số loài bò sát cũng có phản ứng dựng vảy, cho thấy lông, vảy và lông vũ đều có thể đã tiến hóa từ một cấu trúc tổ tiên chung xa xưa.
Với con người, cơ thể phủ lông rất mỏng nên phản ứng dựng lông không còn giá trị sinh tồn thực tế. Theo các chuyên gia, đây là tàn tích tiến hóa – giống như xương đuôi hay răng khôn, là những phần còn sót lại từ tổ tiên.
Dù vậy, nổi da gà lại mang đến một trải nghiệm cảm xúc đặc biệt. Khi bạn nghe một bản nhạc hay đến rợn người, não bộ cảm nhận nó như một sự căng thẳng cảm xúc. Sau đó, khi nhận ra không có nguy hiểm thật sự, não giải phóng dopamine – chất dẫn truyền thần kinh gắn liền với cảm giác thỏa mãn. Đó là lý do vì sao nổi da gà lại “phê”.
Theo nhà nghiên cứu Mitchell Colver, hiện tượng này có thể ví như một “cơn cực khoái cảm xúc”, khi cơ thể được giải tỏa khỏi căng thẳng bằng một luồng khoái cảm thần kinh.
Nổi da gà không chỉ là phản ứng sinh học – nó còn là biểu hiện của cảm xúc sâu sắc, kết nối con người với thế giới động vật qua một phản xạ cổ xưa. Dù không còn mang ý nghĩa sinh tồn, nó vẫn khiến chúng ta rung động, đôi khi theo cách rất bất ngờ.