Một chủ phòng tập tại Ireland đang đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội sau phát ngôn gây tranh cãi về trang phục tập luyện của phụ nữ, vô tình châm ngòi cho một trào lưu mới trên mạng xã hội.
Paul Byrne, chủ một trung tâm thể hình cao cấp ở Dublin, tham gia một chương trình phát thanh để thảo luận về bài viết gây chú ý trên tờ The Times. Trong bài viết, tác giả – một người đàn ông 60 tuổi – chia sẻ rằng ông cảm thấy bối rối trước cách ăn mặc của phụ nữ trẻ tại phòng gym, đến mức “không biết nhìn đi đâu”.
Byrne không ngần ngại đưa ra quan điểm rằng đồ tập hiện nay của nhiều phụ nữ chẳng khác gì bikini. “Cách đây vài năm, chuyện này không phải là vấn đề. Nhưng với sự bùng nổ của mạng xã hội, khi ai cũng muốn quay video bản thân tập luyện, trang phục ngày càng trở nên hở hang hơn”, ông nói trong chương trình Lunchtime Live. Ông còn nhận định rằng những bộ đồ bó sát, khoe dáng trong phòng gym có thể khiến người khác cảm thấy không thoải mái và cho rằng đó là hành vi “tự luyến”.
Những phát ngôn này ngay lập tức gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Hàng loạt phụ nữ đã đăng video trên mạng xã hội với trang phục tập luyện bó sát, kèm theo những dòng chú thích đầy mỉa mai. Một người viết trên TikTok: “Trên đường đến phòng tập, hy vọng bộ gym bikini của tôi đủ khiến cánh đàn ông cảm thấy ‘đe dọa’.” Một người khác thì hài hước hơn: “Hôm nay tôi sẽ mặc bộ đồ tập nhỏ nhất để chắc chắn rằng nó trông giống như một bộ bikini!”
Huấn luyện viên cá nhân Nathalie Lennon cũng bày tỏ sự bất bình trên sóng radio. Cô khẳng định: “Gọi đồ tập của phụ nữ là bikini rồi quy chụp đó là hành vi tự luyến là vô lý. Trước đây, xã hội áp đặt rằng phụ nữ phải gầy. Giờ đây, khi họ tập luyện để có một cơ thể khỏe mạnh và săn chắc, họ lại bị chỉ trích vì điều đó sao?”
Nhiều người cho rằng nhận xét của Byrne phản ánh một sự bất công trong cách xã hội đánh giá nam và nữ. Một người dùng mạng xã hội bình luận: “Đàn ông có thể mặc áo ba lỗ hở ngực hoặc thậm chí cởi trần khi tập gym mà chẳng ai phàn nàn. Nhưng nếu phụ nữ mặc đồ tập thể thao ôm sát, họ lại bị chỉ trích?”
Làn sóng phản đối này không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền tự do trang phục của phụ nữ khi tập luyện, mà còn mở ra cuộc tranh luận rộng hơn về cách xã hội áp đặt tiêu chuẩn kép đối với nam và nữ. Liệu phụ nữ có thực sự cần phải thay đổi cách ăn mặc chỉ để làm vừa lòng ánh nhìn của người khác? Hay đã đến lúc xã hội cần thay đổi quan điểm để phụ nữ có thể tập luyện thoải mái mà không bị soi xét?