Nếu bạn nhìn vào cơn lũ nội dung được tạo ra bởi AI và từng nghĩ: “Trời, mình cũng muốn nhảy vào kiếm chác chút ít từ đám này!” — thì có tin vui cho bạn đây. Nhưng khoan, trước khi bật mí tin vui ấy, xin mời bạn đóng vài chục đô mỗi tháng cho một gã nào đó tự xưng là chuyên gia AI. Tin tôi đi, món tiền ấy “xứng đáng từng xu.”
Tất nhiên, tôi chỉ đùa thôi. Tôi sẽ không bắt bạn trả tiền để đọc tiếp, nhưng rất nhiều kẻ ngoài kia thì lại muốn làm đúng như vậy. Bởi dường như thế giới AI vẫn chưa đủ loạn, nên chúng ta vừa được “tặng kèm” thêm một đám “thầy dạy AI rác” và các dịch vụ mờ ám hứa hẹn biến bạn thành tỷ phú chỉ sau vài cú click.
Trước hết, hãy lùi lại một bước. Nếu bạn không sống dưới đáy giếng hoặc mất điện thoại ở một chiều không gian khác, hẳn bạn cũng nhận thấy Internet đang ngập ngụa nội dung tạo bởi AI nhiều hơn bao giờ hết. Đó không phải ngẫu nhiên. Thủ phạm chính là Veo 3, công cụ tạo video mới nhất của Google, hiện đang được cung cấp miễn phí cho cả thế giới.
Từ ngày Veo 3 xuất hiện, người ta thi nhau tạo đủ kiểu video: vlog phong cách YouTube, quảng cáo nhái game GTA, và tệ nhất là… video ASMR khiến bạn nổi da gà.
Điều đó không chỉ tệ vì bôi nhọ ranh giới thật – giả hay làm xói mòn niềm tin vào thông tin đáng tin cậy, mà còn vì nó đẻ ra cả một ngành “kiếm tiền từ rác số.” Một loạt huấn luyện viên AI tự xưng đã xuất hiện, rao giảng cách biến đám nội dung tào lao này thành máy in tiền.
Ví dụ: với 49 USD/tháng, bạn có thể học từ một tay nào đó khoe “7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa,” để rồi dạy bạn cách dùng Veo 3 – một công cụ còn chưa ra mắt được bao lâu – để “bắt đầu kiếm tiền.”
Tôi không muốn dài dòng thuyết phục bạn đừng ném tiền cho những “thầy” này, bởi thật lòng mà nói, nếu đến giờ bạn vẫn chưa nhận ra đây là cú lừa, thì e rằng… mọi lời khuyên cũng vô ích.
Tệ hơn, các dịch vụ dạy kiếm tiền AI không chỉ có mấy “thầy” freelance mà còn bắt đầu quy mô hơn. Một ví dụ khác là Blueprint – dịch vụ hứa tự động tạo ra vô số nội dung AI và đăng lên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Ý tưởng của Blueprint là bạn chỉ cần gửi link website của mình, phần còn lại để AI lo: từ viết kịch bản, tạo video bằng Veo 3, đến theo dõi hiệu quả và “tăng quy mô.”
Blueprint tự nhận có một công nghệ “xịn xò” hơn người, đủ để biến thương hiệu của bạn thành hiện tượng mạng chỉ trong ba bước đơn giản. Dù vậy, không rõ người dùng thực sự có lời lãi gì không, bởi phản hồi ban đầu trên mạng xã hội X (Twitter cũ) khá tiêu cực.
Trang web của Blueprint thậm chí không thèm công khai giá cả, chỉ úp mở: “Chúng tôi đang ở giai đoạn truy cập sớm và làm việc với nhóm đối tác thiết kế chọn lọc. Hãy đăng ký để biết liệu dịch vụ có phù hợp với doanh nghiệp của bạn không.” Nói trắng ra, chẳng ai biết họ định móc túi khách hàng bao nhiêu.
Thật ra, việc các “chuyên gia” nhảy vào tận dụng cơn sốt AI để bán mộng làm giàu là điều không khó đoán. Nhưng cũng thật u ám khi thấy bao người sẵn sàng móc hầu bao để học cách tạo… nội dung rác.
Tôi không nói AI tạo sinh (generative AI) hoàn toàn vô ích hay không thể đem lại kết quả như lời quảng cáo. Nhưng nếu bạn tin rằng có ai đó sở hữu “bí kíp thần thánh” để khai thác triệt để các công cụ chỉ vừa mới xuất hiện vài tháng, thì có lẽ bạn đang lầm to.
Quan trọng hơn, trước khi định đổ xô sản xuất nội dung AI, xin hãy tự hỏi: Liệu chúng ta có thực sự muốn sống trong một thế giới mà mạng xã hội đầy ắp rác số?
Chỉ vì bạn có thể tạo ra mấy video gái Tây tóc vàng khen lấy khen để app chụp hình mới của bạn, không có nghĩa bạn nên làm vậy. Nhất là nếu bạn định bơm cả đống “AI slop” lên mạng 17 phút một lần. Nhưng đó dường như lại là hướng mà cả ngành đang lao tới.
Cuộc chiến AI giờ mới thực sự bắt đầu, và đáng buồn thay, người lãnh đủ đầu tiên từ Veo 3 có lẽ chính là… chúng ta.