Từ các cánh đồng ở đồng bằng Trường Giang (Trung Quốc) đến ruộng bậc thang Việt Nam, gạo là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của hàng tỷ người. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo: biến đổi khí hậu đang khiến loại ngũ cốc thiết yếu này trở thành nguồn tích tụ thạch tín – chất gây ung thư nguy hiểm.
Sau nước uống, gạo là nguồn thực phẩm lớn thứ hai chứa thạch tín vô cơ – dạng thạch tín độc hại nhất. Dưới tác động của nhiệt độ tăng cao và lượng CO₂ gia tăng, cây lúa có xu hướng mọc rễ nhiều hơn, hấp thụ nhiều thạch tín hơn từ đất. Đồng thời, điều kiện đất ngập nước lại càng thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi, làm tăng lượng thạch tín trong đất và trong hạt gạo.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, dẫn đầu bởi tiến sĩ Donming Wang (Viện Khoa học Đất Trung Quốc), đã tiến hành mô phỏng việc trồng 28 giống lúa phổ biến nhất ở châu Á trong điều kiện khí hậu dự báo đến năm 2050. Kết quả gây sốc: lượng thạch tín trong gạo có thể tăng đến 44%, khiến hơn một nửa mẫu gạo vượt ngưỡng an toàn do Trung Quốc đề xuất.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu không có thay đổi trong cách trồng trọt và tiêu thụ gạo, các quốc gia có chế độ ăn phụ thuộc nhiều vào gạo sẽ chứng kiến sự gia tăng đáng kể các ca ung thư bàng quang, phổi, bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề phát triển thần kinh ở trẻ em.
Đáng chú ý, trẻ sơ sinh – đối tượng thường xuyên tiêu thụ cháo gạo và bột gạo – sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Dù mức thạch tín hiện tại vẫn nằm trong giới hạn khuyến nghị tại một số quốc gia, nguy cơ bệnh tật tích lũy theo thời gian là không thể bỏ qua.
Thay vì ngừng ăn gạo – điều gần như bất khả thi với nhiều nước đang phát triển – các nhà khoa học đề xuất nhiều giải pháp thích nghi: điều chỉnh lịch gieo trồng, cải thiện quản lý đất, chọn giống lúa ít tích thạch tín và áp dụng kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm nước như luân phiên ngập – khô.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn về lượng thạch tín trong thực phẩm là vô cùng cần thiết. Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn chưa có quy định rõ ràng về loại độc tố nguy hiểm này.
Thạch tín trong gạo là mối đe dọa âm thầm nhưng hiện hữu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, bảo vệ sức khỏe cộng đồng không chỉ nằm ở giảm phát thải, mà còn ở việc nhìn nhận lại những gì chúng ta ăn mỗi ngày – ngay cả một hạt cơm tưởng chừng vô hại.