Trong tuần qua, Duolingo – nền tảng học ngôn ngữ trực tuyến nổi tiếng – đã công bố kế hoạch loại bỏ nhiều vị trí nhân sự hợp đồng để thay thế bằng AI, hướng đến trở thành một công ty “ưu tiên AI” trong hoạt động. Thông báo này ngay lập tức thu hút sự chú ý của nhà báo Brian Merchant, người nhận định rằng “khủng hoảng việc làm vì AI không còn là viễn cảnh tương lai – mà đang xảy ra ngay lúc này”.
Theo chia sẻ từ một cựu cộng tác viên của Duolingo, việc cắt giảm này thực ra không phải là điều mới. Cuối năm 2023, công ty đã âm thầm sa thải khoảng 10% lực lượng hợp đồng, chủ yếu là các biên dịch viên. Đến tháng 10/2024, đợt cắt giảm thứ hai diễn ra, lần này nhắm đến đội ngũ biên tập viên, nhà văn. Cả hai nhóm đều bị thay thế bằng hệ thống AI.
Merchant cũng dẫn một bài viết trên tạp chí The Atlantic, chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm sinh viên mới ra trường đang cao bất thường. Một nguyên nhân có thể là: nhiều doanh nghiệp đang dần thay thế các vị trí văn phòng cấp thấp bằng công nghệ AI, hoặc ngân sách dành cho AI đang “lấn át” khoản chi tuyển dụng nhân sự mới.
Theo nhà báo này, “khủng hoảng AI” thực chất là chuỗi quyết định chiến lược của các lãnh đạo doanh nghiệp – những người đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí nhân sự và củng cố quyền kiểm soát trong nội bộ tổ chức. Hệ quả được nhìn thấy rõ rệt trong sự hao hụt nguồn nhân lực sáng tạo, thu nhập giảm sút của các nghệ sĩ tự do, nhà văn, họa sĩ minh họa… và xu hướng doanh nghiệp chỉ đơn giản là không muốn thuê thêm người.
“Cuộc khủng hoảng việc làm do AI gây ra không phải là viễn tưởng kiểu SkyNet – mà là những quyết định thật sự đang diễn ra, như việc một công ty lớn sa thải hàng chục ngàn nhân viên dưới danh nghĩa 'chiến lược AI đầu tiên',” Merchant kết luận.