Apple vừa nhận tin không vui khi Thẩm phán liên bang Julien Neals bác yêu cầu bác bỏ vụ kiện chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) khởi xướng. Điều này đồng nghĩa “Táo khuyết” sẽ phải bước vào một phiên tòa toàn diện, có thể tác động sâu rộng tới cách hãng vận hành hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ của mình, từ iPhone cho tới Apple Watch hay các nền tảng thanh toán số.
Vụ kiện này được DOJ đệ trình từ năm 2024 sau khi nhiều công ty công nghệ, tiêu biểu như Spotify, lên tiếng phản đối cách Apple kiểm soát quyền truy cập vào thiết bị và dịch vụ của mình. Theo phía DOJ, Apple đã tận dụng quyền lực độc quyền của mình để siết chặt cạnh tranh, gây bất lợi cho cả người dùng lẫn các nhà phát triển ứng dụng.
Apple, tất nhiên, không đồng ý với cáo buộc này. Hãng cho rằng các lập luận trong đơn kiện quá mơ hồ, không đủ cơ sở để đưa ra xét xử. Thế nhưng, thẩm phán Neals mới đây đã ra phán quyết cho phép vụ kiện tiếp tục được thụ lý. Phiên tòa sắp tới dự kiến sẽ mổ xẻ cách Apple kiểm soát các lĩnh vực như ứng dụng, tin nhắn, thanh toán điện tử, đồng hồ thông minh và nhiều mảng khác.
Một trong những điểm DOJ nhấn mạnh là Apple đang tạo ra một hệ sinh thái quá khép kín, khiến các đối thủ gặp khó khăn khi tiếp cận người dùng. Điển hình, Apple lâu nay bị chỉ trích vì độc quyền tính năng Messages hay hạn chế các dịch vụ chơi game trực tuyến, cũng như giữ quyền kiểm soát sâu các kết nối của Apple Watch với iPhone. Dù Apple vẫn khẳng định các biện pháp này nhằm bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật, nhưng cơ quan quản lý cho rằng điều đó thực chất đang bóp nghẹt sự lựa chọn của người dùng.
Apple thực ra đã có những động thái nhượng bộ. Chẳng hạn, hãng bắt đầu hỗ trợ chuẩn nhắn tin RCS trên ứng dụng Messages và cho phép người dùng đặt ứng dụng nhắn tin bên thứ ba làm mặc định từ iOS 18.2. Một số tính năng NFC cũng được mở ra cho các ứng dụng thanh toán như Square, nhưng DOJ vẫn có thể đòi hỏi Apple phải cho phép người dùng chọn ứng dụng thanh toán mặc định – điều mà châu Âu đã bắt buộc.
Lĩnh vực smartwatch cũng là chủ đề khiến Apple bị “soi” kỹ. Dù các hãng đồng hồ thông minh khác vẫn kết nối được với iPhone, nhiều nhà phát triển cho rằng Apple Watch sở hữu các tích hợp sâu mà họ không thể khai thác, khiến sản phẩm của họ khó cạnh tranh.
Ngoài ra, DOJ cũng đặt câu hỏi về việc Apple có đang cản trở sự xuất hiện của các “super app” – những ứng dụng đa năng tích hợp nhắn tin, ngân hàng và cả cửa hàng ứng dụng, giống như WeChat tại Trung Quốc. Một số công ty tố cáo Apple đưa ra những quy định khiến các siêu ứng dụng này không thể hoạt động tại Mỹ.
Dù Apple khẳng định hãng “không làm gì sai về cả thực tế lẫn pháp luật” và sẵn sàng theo đuổi vụ kiện đến cùng, giới quan sát dự đoán đây sẽ là cuộc chiến pháp lý dai dẳng, có thể kéo dài nhiều năm nếu xảy ra kháng cáo. Dù kết quả cuối cùng có thể dẫn tới những thay đổi lớn hay chỉ là tăng cường giám sát, chắc chắn Apple sẽ tiếp tục bị đặt dưới kính hiển vi của các nhà quản lý trong tương lai gần.