Lớn lên bên dòng Ô Lâu xứ Huế, dù biết bao năm sống nơi phố thị, Phi Tân vẫn là một “người quê” trong suy nghĩ, trong tâm hồn, trong từng trang văn anh viết.
Bên sông Ô Lâu là những mảnh ký ức ăm ắp cảnh quê, người quê, chuyện quê, tình quê của một đứa con xa quê luôn yêu quê, nhớ quê đến thắt lòng.
Mỗi một câu chữ của “Bên sông Ô Lâu” đều chở nặng tâm tình, nỗi nhớ niềm thương của Phi Tân về con sông tuổi thơ, về món ăn mẹ nấu, về bữa trưa bạn gặt, về những “o”, những “ôn”…, về những người “muôn năm cũ” đã cùng anh đi qua những trang đời không thể nào quên
Để rồi ký ức về một miền quê xứ Huế bên sông Ô Lâu với những phận người có bình dị yên ả, có bão tố dạt trôi… cứ tha thiết trở đi trở lại trong từng trang văn của Phi Tân như một nỗi nhớ chỉ đậm đà hơn theo năm tháng, mà không bao giờ có thể nguôi ngoai…
57 đoản văn trong tập sách Bên sông Ô Lâu như lời tự tình không dứt của Phi Tân với người quê, cảnh quê, chuyện quê của một kẻ xa quê.
Phi Tân là kẻ xa quê ngụ cư thành thị, là người của quá khứ ngụ cư hiện tại. Nghĩa là Phi Tân vừa ngụ cư không gian, vừa ngụ cư thời gian.
Về không gian, dù lập thân và định cư ở thành thị, dù không hề mảy may xung khắc với thành thị, nhưng Phi Tân lại luôn nhớ đến quay quắt ao xưa vườn cũ.
Về thời gian, dù đang hít thở bầu không khí sống động của hiện tại, anh lại khôn nguôi đau đáu với ngày xưa. Ngày xưa gắn với kỷ niệm làng quê khiến nỗi nhớ chồng nỗi nhớ, từng mảnh ký ức hiện về, khắc khoải, ngẩn ngơ…
Hãy cùng tác giả của “Bên sông Ô Lâu” đi tìm thời gian đã mất, gom nhặt ngày xưa trong từng trang ký ức để có được hạnh phúc của kẻ xa quê, lạc quê tìm được lối về. Hãy cho ta được một lần soi mình xuống mặt giếng thân thương tìm lại hòn bi đánh rơi thuở trước. Hãy để lòng lắng lại trong từng bờ cát, ngọn gió, giọt nắng, cơn mưa, mây nguồn, chớp bể phía quê nhà…