Với George Gellert, thành công không đến từ bằng cấp, kỹ năng mềm hay cả công nghệ, mà bắt đầu từ việc… không đến trễ. "Trễ một phút cũng là trễ một giờ", ông nói – nguyên tắc mẹ ông dạy, và ông đã giữ suốt gần 60 năm.
Dù đang điều hành một tập đoàn tỷ đô, ông vẫn duy trì thói quen dậy lúc 4h45, tập thể dục, chơi tennis, và luôn có mặt tại văn phòng trước 8h. Trong mọi cuộc họp, ông đến trước 15 phút – kể cả vào ngày bão tuyết hoặc mất điện toàn thành phố.
Với Gen Z – thế hệ đang định nghĩa lại khái niệm "giờ giấc linh hoạt" – đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Báo cáo từ ResumeBuilder cho thấy gần một nửa Gen Z nghĩ trễ 5-10 phút vẫn ổn. Nhưng trong môi trường doanh nghiệp thực tế, điều đó có thể khiến bạn mất điểm hoàn toàn.
Năm 1966, Gellert bước vào công ty của gia đình vợ – không phải với vị trí quản lý, mà bằng việc... mở thư. Công việc tưởng như vặt vãnh ấy lại giúp ông hiểu cấu trúc vận hành của một doanh nghiệp từ bên trong. Và chính nền tảng đó đã giúp ông xây dựng lại Atalanta từ một nhà nhập khẩu thực phẩm nhỏ trở thành tập đoàn cung ứng sản phẩm trên 60 quốc gia.
Trong khi đó, một bộ phận Gen Z lại có xu hướng "nhảy việc" mỗi 2-3 năm để tìm vị trí cao hơn hoặc mức lương tốt hơn. Nhưng theo Gellert, thành công bền vững không đến từ việc leo nhanh, mà là từ sự kiên trì đi đường dài, hiểu rõ bản thân muốn gì – và học đủ trước khi tiến xa.
George Gellert không chỉ là một nhà lãnh đạo giỏi quản lý, ông còn là người xây dựng được lòng tin bền vững với cộng sự và đối tác. Trong thảm họa bão Sandy năm 2012, kho hàng của công ty ông chìm trong biển nước, thiệt hại hàng triệu USD. Thế nhưng, không ai bị sa thải. Hai tuần sau, hoạt động đã khôi phục như cũ – phần lớn nhờ vào mối quan hệ bền chặt với nhân viên và các bên liên quan.
Ông tin rằng sự gắn bó, trung thực và uy tín cá nhân là nền móng quan trọng không thua gì kiến thức hay kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt trong bối cảnh Gen Z đang dần mất niềm tin vào tổ chức – theo Gallup, chỉ 52% tin vào lãnh đạo nơi làm việc – thì đây là một thông điệp đáng suy ngẫm.
Không cần phải chạy theo xu hướng, hãy vững với giá trị cốt lõi
George Gellert không phải người duy nhất từ thế hệ cũ còn làm việc ở tuổi ngoài 80. Nhưng những người như ông hay Warren Buffett đều có điểm chung: kiên định, hiểu giá trị thời gian, bắt đầu từ cơ bản và không ngừng vun đắp các mối quan hệ đáng tin.
Còn Gen Z, có thể giỏi ChatGPT, biết code Python từ năm 14 tuổi, nhưng nếu bỏ qua những điều tưởng như "cổ lỗ sĩ" mà Gellert nhấn mạnh, thì sớm muộn cũng sẽ phải quay lại học lại từ đầu – qua trải nghiệm thật.