Khoảng 12h trưa 19/7, trời TP.HCM đột ngột chuyển mây đen và trong chưa đầy 15 phút, một cơn mưa lớn như trút nước bất ngờ đổ xuống khu vực quận Bình Tân (cũ), nay thuộc địa bàn các phường An Lạc, Bình Trị Đông.
Chỉ sau chưa đầy một giờ, hàng loạt tuyến đường trong khu vực đã rơi vào tình trạng ngập nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
Hồ Học Lãm ngập gần nửa mét, người dân dắt xe bì bõm lội nước
Theo ghi nhận, tuyến đường Hồ Học Lãm – vốn là “điểm đen” ngập úng lâu năm – lại tiếp tục chìm sâu trong nước. Đoạn ngập dài khoảng 500 m, nước dâng lên gần đến yên xe máy.
Nhiều phương tiện bị chết máy giữa đường, người dân phải dắt bộ lội qua làn nước đục ngầu. Giao thông ùn ứ cục bộ khi các xe buộc phải di chuyển chậm, tránh sóng đánh vào xe khác hoặc vào nhà dân hai bên đường.
“Tôi vừa chở con đi học về thì mưa tới. Chỉ mới 30 phút mà nước đã dâng quá nửa bánh xe, phải dắt bộ hơn trăm mét mới thoát được vùng ngập”, anh Trần Minh Tùng, một người dân sống tại phường An Lạc, chia sẻ.
Tình trạng ngập úng không chỉ dừng lại ở đường phố. Khu vực chợ khu phố 2, phường An Lạc cũng bị nước tràn vào, khiến hoạt động buôn bán bị đảo lộn. Nhiều tiểu thương phải kê cao hàng hóa hoặc tạm nghỉ bán giữa trưa.
“Chưa tới 1 tiếng mưa mà nước đã ngập lênh láng. Tụi tôi phải đội mưa kéo hàng lên, rau dập hết, ướt cả đồ”, bà Nguyễn Thị Bé – tiểu thương bán rau – cho biết.
Không chỉ Hồ Học Lãm, các tuyến đường Lê Cơ, tỉnh lộ 10, Bùi Tư Toàn... cũng bị ảnh hưởng. Tình trạng chung là hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp, nhiều đoạn đường biến thành dòng kênh tạm thời.
Theo thông báo từ Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, đợt mưa lớn này là một phần ảnh hưởng của bão số 3 – Wipha, hiện đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Hoàn lưu bão kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đang gây mưa diện rộng ở Nam Bộ, trong đó TP.HCM là khu vực chịu tác động rõ rệt.
Dự báo, đến khoảng ngày 22/7, gió mùa mới bắt đầu yếu dần. Trong thời gian này, người dân cần đề phòng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông sét, gió giật, lốc xoáy và nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp.