Theo The Wall Street Journal, một chương trình bảo tồn môi trường lớn tại miền Bắc Kenya – được gọi là Dự án Tín chỉ Carbon của Rangelands Bắc Kenya – đang rơi vào tình trạng căng thẳng với cộng đồng người chăn nuôi Maasai và các nhóm dân tộc bản địa khác.
Dự án này sử dụng 4,7 triệu mẫu đất thuộc quyền sở hữu chung của người dân để trồng cỏ và giữ carbon trong đất, nhằm tạo ra tín chỉ carbon bán cho các công ty công nghệ lớn như Netflix và Meta. Đổi lại, cộng đồng địa phương sẽ nhận được một phần doanh thu từ việc bán tín chỉ.
Vấn đề phát sinh khi chương trình yêu cầu người dân thay đổi tập quán chăn thả gia súc, thay vì chăn thả tự do như bao đời nay, họ phải luân phiên di chuyển đàn gia súc để cỏ có thời gian phục hồi, từ đó tăng khả năng giữ carbon trong đất.
Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi không hài lòng với yêu cầu này, thậm chí cho rằng họ đã bị lừa dối hoặc không được giải thích rõ ràng khi đồng ý tham gia dự án. Sự phản đối ngày càng gia tăng khiến toàn bộ chương trình bị đình chỉ, đặt ra nguy cơ các tín chỉ carbon đã bán ra có thể bị vô hiệu.
Trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ ngày càng tiêu tốn nhiều điện năng và tài nguyên để vận hành máy chủ và đào tạo mô hình AI, việc mua tín chỉ carbon từ các dự án như ở Kenya được xem là một cách để bù đắp phát thải, giúp họ gắn mác “trung hòa carbon” (carbon neutral).
Thế nhưng, khi các dự án này dẫn đến xung đột với cư dân địa phương, câu hỏi đặt ra là: Ai thực sự được lợi từ những sáng kiến môi trường này? Và liệu danh hiệu “trung hòa carbon” có còn ý nghĩa nếu những người trực tiếp sống trên đất không được tôn trọng quyền lợi?