Năm 31 tuổi, khi nhiều người vẫn đang loay hoay với hướng đi sự nghiệp, Wes Schroll đã sở hữu một trong những startup công nghệ tiêu dùng phát triển nhanh nhất nước Mỹ: Fetch. Ứng dụng của anh xử lý hàng triệu hóa đơn mỗi ngày từ hơn 12,5 triệu người dùng, được định giá 2,5 tỷ USD. Nhưng ít ai biết, hành trình này từng trải qua thời điểm "nghẹt thở" giữa sống còn và phá sản.
Ngay từ thời sinh viên, Wes Schroll đã nung nấu ý tưởng xây dựng một nền tảng giúp người dùng được thưởng điểm khi quét hóa đơn mua sắm – một hình thức khuyến khích tiêu dùng thông minh. Với niềm tin mãnh liệt, anh quyết định bỏ ngang đại học để theo đuổi startup Fetch.
Ban đầu, mô hình hoạt động trơn tru và nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn người dùng. Tuy nhiên, khi công ty mở rộng và giới thiệu tính năng quét hóa đơn mới, mọi thứ sụp đổ. Hệ thống không xử lý nổi lượng dữ liệu khổng lồ. Tồi tệ hơn, đối tác công nghệ đã gian dối – sử dụng thao tác tay thay vì hệ thống tự động, khiến hàng nghìn hóa đơn bị tồn đọng mỗi ngày.
Trong khoảnh khắc khủng hoảng, Schroll không chọn cách cắt lỗ hay đóng cửa. Anh triệu tập toàn bộ nhóm 25 người, chia ca làm việc ngày đêm, xử lý thủ công hơn 150.000 hóa đơn, đồng thời gấp rút xây dựng lại hạ tầng. Sự tận tâm còn thể hiện ở việc Schroll trực tiếp gửi video xin lỗi người dùng và giải thích tình hình, thay vì né tránh.
Kết quả sau 6 tuần căng thẳng: Fetch giữ chân được hơn 30.000 người dùng trung thành và gọi vốn thành công 9,6 triệu USD. Đây là bước ngoặt giúp công ty vươn mình mạnh mẽ và đặt nền móng cho định giá tỷ đô sau này.
Hiện tại, Fetch không chỉ là công cụ tích điểm mua sắm mà còn là nền tảng dữ liệu giá trị cho các thương hiệu lớn. Với Schroll, bí quyết thành công không đến từ may mắn mà từ khả năng phục hồi và sự kiên định.
“Khả năng kiên trì là điều thường bị đánh giá thấp. Đa số công ty thành công không phải vì họ gặp thời, mà vì họ không bỏ cuộc”, anh chia sẻ.
Dù đã trở thành CEO kỳ lân, Wes Schroll vẫn giữ lối sống giản dị, làm việc thâu đêm, trực tiếp chăm sóc trải nghiệm người dùng – như những ngày đầu startup còn chập chững giữa khủng hoảng.