Tại đất nước đông dân nhất thế giới, anime và trò chơi điện tử không chỉ là thú vui giải trí, mà đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa của giới trẻ. Theo iResearch, chỉ riêng thị trường quyền sở hữu trí tuệ (IP) trong lĩnh vực hoạt hình, truyện tranh và game 2D tại Trung Quốc đã đạt hơn 83 tỷ USD vào năm 2024, gần gấp đôi so với năm 2019.
Dự báo đến năm 2029, con số này có thể chạm mốc hơn 115 tỷ USD (834,4 tỷ NDT), trong bối cảnh chính phủ và doanh nghiệp cùng đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp sáng tạo lấy cảm hứng từ thế giới ảo.
Tâm điểm của sự phát triển này chính là sự kiện Bilibili World 2025 vừa diễn ra tại Thượng Hải. Đây là lễ hội văn hóa dành riêng cho những người yêu thích anime, cosplay và game 2D – thu hút hơn 300.000 lượt người tham dự chỉ trong ba ngày, vượt xa con số năm ngoái. Vé mở bán “cháy hàng” chỉ sau 35 giây, minh chứng cho sức hút khủng khiếp của sự kiện.
Tại đây, hàng ngàn bạn trẻ đã hóa thân thành nhân vật yêu thích trong các tựa game đình đám như Honkai: Star Rail, Identity V, hay các series hoạt hình nổi tiếng như Naruto, Bocchi the Rock!. Các nhân vật nội địa Trung Quốc như Na Tra hay Black Myth: Wukong cũng dần khẳng định chỗ đứng bên cạnh những biểu tượng Nhật Bản lâu đời.
Một bạn trẻ vừa thi đại học xong đã chia sẻ: “Tôi đã chờ dịp này suốt nhiều năm. Đây là lần đầu được gặp gỡ những người có cùng đam mê và sống trọn với thế giới 2D mà mình yêu thích”.
Sức hút của ngành công nghiệp 2D không chỉ nằm ở giá trị tinh thần. Rất nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội kinh tế trong lĩnh vực này. Sony mang tới gian hàng trưng bày Demon Slayer, trong khi chuỗi tiện lợi Lawson bán các sản phẩm collab độc quyền với nhân vật hoạt hình. Canon quảng bá máy ảnh bằng cách hướng đến đối tượng cosplayer trẻ.
Không chỉ ở sự kiện, bản quyền game và nhân vật còn được giao dịch sôi động trên các nền tảng trực tuyến như Xianyu – chợ đồ cũ của Alibaba. Theo thống kê, 6/10 sản phẩm bản quyền được săn đón nhất thuộc về các trò chơi do Trung Quốc phát triển, bao gồm Love and Deepspace và Identity V.
Trong bối cảnh nền kinh tế nội địa đang đối mặt nhiều thách thức, doanh thu từ ngành sáng tạo kỹ thuật số, đặc biệt là lĩnh vực anime – game – eSports, được kỳ vọng sẽ trở thành một động lực tăng trưởng tiêu dùng.
Tháng 3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch thúc đẩy tiêu dùng thông qua các sản phẩm 2D, với cam kết phát triển quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ xuất khẩu văn hóa. Các nội dung dù vẫn bị kiểm duyệt chặt chẽ, nhưng không thể phủ nhận rằng thế giới ảo đang dần trở thành mảnh đất “vàng” của nền kinh tế sáng tạo Trung Quốc.