Bill Bill
21/12/2021 11:09:23

Bạn trẻ hoài niệm về Hà Nội xưa qua “Truyện cổ tích cho tuổi 17”

Ngày 18/12, buổi chiếu phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 và tọa đàm trực tuyến Cổ tích về Hà Nội: Trưa nay qua đường phố quen do CLB Điện ảnh tổ chức với sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên đam mê điện ảnh khắp các vùng miền.

Phát biểu tại sự kiện, TS. Hoàng Cẩm Giang, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học (ĐHKHXH&NV Hà Nội), đồng thời là giám tuyển của chuỗi sự kiện chia sẻ về mong muốn được lắng nghe những chia sẻ và gợi mở thú vị từ các vị diễn giả: “Mục đích của CLB Điện ảnh và Bộ môn Nghệ thuật học là muốn có một chuyến về nhà về mặt tinh thần. Chúng ta đang sống trong nền điện ảnh Việt Nam, chính vì thế, chúng tôi mong muốn các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận những giá trị của chính đất nước mình, để hiểu hơn về vẻ đẹp của nó”.

Truyện cổ tích cho tuổi 17
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các bạn sinh viên yêu thích điện ảnh. Ảnh: CLB Điện ảnh (ĐHKHXH&NV HN)

Mở đầu sự kiện, khán giả được thưởng thức trọn vẹn 90 phút bộ phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17”. Đây là kịch bản đầu tay của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã (một trong hai diễn giả của tọa đàm) và được ra mắt công chúng lần đầu năm 1988.

Trong phần tọa đàm, các diễn giả có những chia sẻ sâu sắc và thú vị về quá trình sáng tạo và nguyên khởi kịch bản phim, vấn đề chiến tranh, “khuôn mặt nữ” và vấn đề kiến tạo Hà Nội như một không gian vừa hiện thực, vừa huyền thoại. Đặc biệt, các diễn giả khẳng định,  Hà Nội được kiến tạo như một không gian văn hóa, ở đó có sự va đập giữa những hình ảnh cụ thể, chân thực của Hà Nội và những ký ức, hoài niệm của chủ thể kiến tạo. Điều này gợi nhắc đến Lý thuyết cảnh quan (Landscape Theories) – góc tiếp cận mới với các bộ phim được Bộ môn Nghệ thuật học đặt ra trong chuỗi tọa đàm. Theo đó, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học chia sẻ: “Hà Nội là nơi gặp gỡ của những ước mơ, nơi mà được chính các nhà văn và nghệ sĩ kiến tạo nên cho nó các giá trị riêng. Từ đó bù đắp cho những thiếu thốn của con người trong thực tại”.

Truyện cổ tích cho tuổi 17
TS. Hồ Khánh Vân nhấn mạnh tính nữ thể hiện trong phim. Ảnh: CLB Điện ảnh (ĐHKHXH&NV HN)

Chia sẻ về quá trình xây dựng câu chuyện tình yêu trong phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, “bộ phim được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của tôi khi còn trẻ”. Phim mang đến cho người xem cảm xúc tình yêu mãnh liệt và trong trẻo của những người trẻ ở độ tuổi 17 giữa giai đoạn chiến tranh. Bà mong muốn được lưu giữ lại một phần ký ức về Hà Nội xưa thông qua từng khung hình. Nơi đó có mối tình thuở ban đầu trên nền hiện thực chiến tranh không có bom rơi đạn nổ, mà chỉ có những người yêu nhau.

“Hà Nội đã làm nên tôi. Đến tận bây giờ, khi đi trên những con phố, tôi vẫn luôn nhớ về Hà Nội xưa. Hà Nội ngày nay đã thay đổi quá nhiều. Giờ đây, tôi xem lại hình ảnh thân thuộc như Ô Quan Chưởng, Hồ Tây,… đều để lại trong tôi những cảm xúc mãnh liệt”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhớ lại.

Truyện cổ tích cho tuổi 17
Các diễn giả và khách mời tham gia buổi chiếu phim và tọa đàm. Ảnh: CLB Điện ảnh (ĐHKHXH&NV HN)

Hồ Khánh Vân nhận xét: “Bộ phim khéo léo khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Đó là sự chờ đợi đầy cô đơn nơi hậu phương. Phim đặt ra cái nhìn về người phụ nữ mang những nét nữ quyền và nữ tính đặc trưng, gắn liền với bối cảnh văn hóa xã hội nước ta.”

Một điểm thú vị khác được TS. Hồ Khánh Vân lý giải khi xem qua bộ phim đó là sự cảm thông của người đàn ông với số phận của người phụ nữ. Những nhân vật nam trong phim đều thấu hiểu cho nỗi cô đơn, đợi chờ của người vợ hay người mẹ của mình. Nhờ vậy, tính nữ quyền trong phim được thể hiện rõ nét, tinh tế và đan xen khéo léo.

Truyện cổ tích cho tuổi 17

Sau phần chia sẻ của 2 diễn giả, ThS. Lê Thị Tuân cho biết: “Tôi cho rằng, nghệ thuật, bằng cách thức riêng có, kiến tạo những cảm giác, những kí ức về Hà Nội. Đó là Hà Nội với hoàng lan, hoa sữa, tiếng dương cầm, cửa ô… vừa lãng mạn vừa kiêu kỳ trong nhạc Phú Quang. Đôi khi chúng ta yêu, nhớ về Hà Nội không phải là Hà Nội hiện thực mà là Hà Nội của một câu chuyện, trong một bộ phim, một bài hát nào đó. Bởi thế, Hà Nội như một không gian vừa quen vừa lạ. Bộ phim “Truyện cổ tích cho tuổi 17” cũng vậy, câu chuyện tình yêu trong trẻo, lãng mạn của tuổi mới lớn, yêu một người chưa bao giờ gặp mặt trong bối cảnh chiến tranh phải chăng là một tự sự được cấp cho không gian Hà Nội, để Hà Nội luôn thật đẹp, thật “cổ tích” mỗi khi nhớ về”.

- Quảng cáo -

   
0 bình luận     0 lượt thích


Mạng xã hội dành cho đàn ông Việt

Cơ quan chủ quản: VN TELECOM Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Nguời đại diện: Nguyễn Sĩ Nông

Giấy phép MXH: 715/GP-BTTTT Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 28/12/2015.

Email: lienhe@mtv.vn. Nội dung: 0901.868.399 (Mr. Thành Nguyễn) Quảng cáo: 0932.19.69.59 (Mr. Hiếu Thượng)

Vận hành bởi: LAVICOM Văn phòng TPHCM: 416/43/32 Dương Quảng Hàm, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Điều khoản sử dụng & Thoả thuận người dùng Chính sách bảo mật Báo lỗi Giới thiệu Liên hệ

Bản quyền © 2015 - 2024. mtv.vn Giữ toàn quyền. Không được sao chép hoặc sử dụng hoặc phát hành lại bất kỳ nội dung nào thuộc mtv.vn khi chưa được phép.